Chương 603: Liêu Nhất Khổng hớ miệng ghi công
Trải họa đồ chi tiết huyện Sơn Lăng và Sơn Tây nghị bàn với chúng tướng, Chương hỏi:
- Núi Vua có độ dốc lớn, dài theo hướng Bắc - Nam đến mấy chục dặm, nhiều ngọn cao hơn 2 dặm, đứng lưng chừng quan sát được hai bên sườn mà dưới trông lên chỉ một màu xanh thẳm. Đông Chinh vương phủ và Trung đoàn 3 bị t·ấn c·ông cùng thời điểm, như vậy có ít nhất 2 đạo quân Mường Động ẩn náu trên núi. Câu hỏi đặt ra bây giờ là, hàng nghìn người ở trong núi cả chục ngày trời như vậy thì lương thực ra sao? Có đun nấu gì không? Chẳng lẽ họ đào củ rừng để ăn ư?
Bố Giáp nói:
- Bẩm vương thượng, Đinh Sơn đã có chuẩn bị nên lương thảo hẳn đủ dùng nhiều ngày. Trên núi có nhiều hang động, ẩn náu trong đó đun nấu rất khó phát hiện. Ta huy động binh mã vây hãm không ổn, chi bằng cử các toán nhỏ chia nhau lên thám thính? Dò la được tung tích rồi đem binh lên đánh chúng có được không ạ?
Phùng Thanh Hòa, Phùng Nguyên Hoàn đều đồng tình với ý kiến của Bố Giáp.
- Chẳng cần tốn sức ba quân. - Chương nói. - Điều cần nhất là tìm cho ra lời giải, bằng cách nào cả một đạo binh đột nhập tập kích sâu trong nội địa, ẩn náu trên núi mà thủy bộ không hay biết? Ta thực muốn nghe ý kiến của thủy quân. Sông Hắc rộng như vậy, sau đận bọn Hà Công Rộng sang quấy, thuyền tuần giang đảo ngày đêm chẳng lẽ để lọt cả nghìn người?
Cao Mộc Lân, được điều động chỉ huy Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cao Mộc Viễn, thống lĩnh mấy chục chiến thuyền lớn nhỏ xuôi ngược trên dòng Hắc Giang suốt đêm ngày chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng, lấy làm ái ngại. Cao Mộc Lân như muốn thu thân hình cao lớn nhỏ lại để Chương không nhìn thấy. Nghe Chương hỏi đến, Cao Mộc Lân lí nhí thưa:
- Dạ bẩm! Mạt tướng nghĩ… bọn chúng chia thành nhiều nhóm vượt sông rồi ém trong núi dài ngày, hội đủ quân mới phá ta ạ.
Chương khẽ thở dài:
- Ta nghe lí do này lần thứ ba rồi, nghe thì có lí nhưng ngẫm kĩ lại vô lí lắm. Hàng nghìn người vượt sông dù có khéo đến mấy cũng phải để lại dấu vết. Các ông cũng phải bình tâm suy xét, tính bất ngờ của các cuộc t·ấn c·ông quấy phá không còn nữa, bây giờ chúng như cá chậu chim lồng, như đám chuột nhắt. Thật tiếc ta chẳng thể dùng hoả công đốt trụi cả dãy núi hàng trăm dặm.
Bố Giáp đề nghị rút bớt binh lực từ huyện Hát, nhất là thủy quân, tăng cường cho lực lượng tuần giang, và trong trường hợp t·ấn c·ông sang Mường Động sẽ tiện lợi nhiều mặt.
Chương suy nghĩ một hồi, đưa ra ý kiến:
- Vậy điều Trung đoàn 3 sang phía Bắc huyện Sơn Lăng, kéo một bộ phận của Trung đoàn 1 Sơn cước ở huyện Sơn Vi xuống đóng tại kẻ Đối là hơn cả. Chỗ anh Lân đang có trong tay gần bảy mươi thuyền các loại, dư sức chuyển đại quân qua sông.
- Bẩm vương thượng, xứ Mường Động… dạ bẩm… quân tượng của Bùi Thị Xuân rất đắc lợi nếu đem qua sông. - Bố Giáp liền thưa.
Chương thoáng vui mừng:
- Phải đấy! Ba mươi thớt voi đủ không?
Đoạn anh lo lắng:
- Nhưng voi rất chậm, lại to lớn, dễ thành mục tiêu của tiễn độc.
Bố Giáp lại nói:
- Tượng binh trợ uy cho quân bộ rất tốt khi tác chiến ở địa hình phức tạp, nhất là hoả khí ạ. Vả lại bên Mường Động dễ đến trăm thớt voi, xin vương thượng suy xét.
- Được, vậy điều ba mươi thớt voi chiến về Sơn Lăng.
Đoạn rồi Chương bảo với Phùng Thanh Hòa:
- Cậu đem quân Thiết kị đến Sơn Lăng, ta thực muốn dành tặng Đinh Sơn một món quà bất ngờ như cách ông ta đã làm.
Họp bàn xong rồi, Chương cho vời Liêu Nhất Khổng đến hỏi chuyện, bày tỏ sự lòng về Khổng sau chuyến đi sứ và muốn nghe ý kiến của Khổng khi t·ấn c·ông sang Mường Động.
Liêu Nhất Khổng bày tỏ:
- Vương thượng dùng gậy chọc vào con giun tất nó co mình lại, chẳng cần phải xuất đại binh. Mấy hôm nay thuộc hạ suy ngẫm về kế sách của Điền Hoành, thực không hiểu ông ta bày cho quan lang đưa binh sang đây quấy phá nhằm mục đích gì? Một đi không trở lại hình như chẳng phải. Điền Hoành không thể không biết binh lực của Thiên Đức. Quân xứ mường gây kinh động được một chặp, sớm muộn sẽ bị diệt trừ.
Chương hỏi lại:
- Tiên sinh có nghĩ Điền Hoành muốn nhân cơ hội này loại bỏ một số tay chân thân tín của Đinh Sơn không?
Liêu Nhất Khổng chắp tay cung kính thưa:
- Hẳn ông ta lợi dụng lúc quan lang tin dùng đã buông lời gièm pha khiến mấy tay mưu sĩ có chút bản lĩnh bất mãn và phỉnh nịnh bọn võ phu bằng chút mưu kế cỏn con khiến chúng đắc chí hòng thu nhân tâm. Tướng dưới trướng quan lang rất dũng mãnh nhưng hành sự có phần hồ đồ, cạn nghĩ. Thuộc hạ đã nghĩ như vậy đó ạ.
Chương lại hỏi Liêu Nhất Khổng cách thu phục nhân tâm người Mường. Liêu Nhất Khổng thực thà nói rằng hiểu biết hãy còn hạn hẹp, tuy vậy, xứ mường sống biệt lập với dân cư vùng đồng bằng nhiều đời, dùng cả roi, cả lý lẽ vẫn là hơn cả.
- Thuộc hạ được biết người Mường coi người Kinh dưới xuôi là những kẻ yếu ớt, gian trá, xảo quyệt và vụ lợi. Ngược lại, người Kinh cho người Mường là giống sơn man ăn lông ở lỗ, dễ bị lừa gạt và… thực tế thì…
Liêu Nhất Khổng ái ngại, muốn tìm lời lẽ cho phù hợp. Chương nghe đến đó thì bật cười lớn, anh bảo rằng:
- Tiên sinh thứ cho ta vì đã cười lớn như vậy, lời tiên sinh nhận định quả không sai. Muốn người Mường hiểu người Kinh nhất định phải tạo thêm cơ hội giao lưu văn hoá, tăng cường tính đoàn kết, Mường và Kinh đều là anh em một nhà.
Liêu Nhất Khổng tủm tỉm cười, hỏi rằng:
- Mường và Kinh là anh em, thuộc hạ bạo gan thắc mắc với vương thượng, vậy người Kinh là anh hay người Mường là anh ạ?
Chương thộn mặt, bật cười, đưa tay vò đầu:
- Câu hỏi này dễ trả lời mà thực khó, ta nghĩ ai nhìn thấy mặt trời trước là anh như lệ người Mường ấy. Tổ tiên nhiều con cái quá chẳng nhớ đẻ ai trước.
Liêu Nhất Khổng cố nhịn cười vì lời chống chế của Chương. Chương hỏi Liêu Nhất Khổng thêm về Điền Hoành, Khổng biết không nhiều nhưng một mực khẳng định Điền Hoành đưa binh qua sông theo lối từ quãng Xóm Trại đến gần kẻ Đối ở phía Bắc. Nhận định của Liêu Nhất Khổng cũng giống chúng tướng.
Chương cho lui, Liêu Nhất Khổng ra đến cửa chợt dừng lại, vòng tay cung kính thưa:
- Bẩm vương thượng, xin vương thượng thứ lỗi cho thuộc hạ.
Chương nhướng mày, khẽ gật đầu. Khổng nói:
- Đi thuyền qua không được, bơi qua lại càng không thì chỉ còn nước bay qua thôi ạ.
Đoạn rồi Liêu Nhất Khổng bối rối, tự trách:
- Thuộc hạ biết là chẳng thể làm điều ấy, nhưng nghĩ mãi thì chỉ còn có cách đó mà thôi.
Chương nhoẻn miệng cười cho lui. Liêu Nhất Khổng đi chưa được bao xa, quân hầu chạy theo gọi quay lại. Thấy Chương khoanh tay đứng tựa bên cửa, nét mặt đăm chiêu, Khổng cung kính hỏi:
- Bẩm, vương thượng còn có điều gì chỉ dạy ạ?
Chương mỉm cười mà rằng:
- Ông nói đúng, bọn chúng có thể bay qua sông.
Liêu Nhất Khổng ngơ ngác. Chương bảo quân hầu lập tức mời các tướng đến hổ trướng bàn định. Chúng tướng có mặt, trông thấy Liêu Nhất Khổng chắp tay đứng hầu, nét mặt lộ vẻ bối rối, nghe Khổng nói quân xứ mường bay qua sông, đến lượt chúng tướng nhìn nhau. Đành rằng theo Vạn Thắng vương từng thấy và nghe nhiều chuyện lạ nhưng con người có thể bay qua sông, nhất là xứ mường, thật chuyện hoang đường lắm.
Mặc chúng tướng xì xầm bàn tán, Chương chăm chú xem họa đồ dòng Hắc Giang do thủy quân cung cấp. Tả hữu đứng hai bên, Cao Mộc Lân thụt lùi nửa bước so với Bố Giáp đứng bên cạnh, dường như sợ Chương hỏi chuyện mà chưa có lời đáp.
Chương ngẩng nhìn một lượt, thấy chúng tướng đủ mặt, lại phát hiện ra Cao Mộc Lân nép mình thì bật cười. Vẻ mặt tươi tỉnh, Chương chỉ đích danh Cao Mộc Lân, trách:
- Ông già gân Cao Mộc Viễn tuổi cao nhưng cứng hơn anh nhiều, anh quen luyện quân và phục tùng mệnh lệnh, chưa có lời đáp cho ta nên ngại ngùng như thiếu nữ mới lớn thế kia ư? Trời! Như vậy thủy quân Thiên Đức sau này trông cậy vào ai đây?
Cao Mộc Lân đứng ra, chắp tay thưa rằng:
- Mạt tướng được Đại Vương tin dùng mà chưa báo đáp được gì, tự cảm thấy hổ thẹn.
Chương phẩy tay, bảo rằng:
- Ta nào trách anh, mà cũng chẳng thể trách anh được. Anh tuần giang ngày đêm, ba quân mệt nhọc vẫn không phát hiện được dấu vết quân địch là bởi chúng nào có qua sông bằng thuyền bè hay bơi lội.
Đoạn rồi Chương đứng dậy, hít nhẹ một hơi, nói rằng:
- Chung bay qua sông!
Chúng tướng giật mình quay ra nhìn nhau, lại nhìn Liêu Nhất Khổng vì Khổng đến trước. Khổng khẽ lắc đầu.
Chương nhìn và hỏi Cao Mộc Lân:
- Trong các ông ở đây duy chỉ có anh từng luyện quân ở Trung tâm tân binh Thiên Đức, căn cứ đầu tiên của ba quân nhỉ?
Bố Giáp, Phùng Thanh Hòa, Phùng Nguyên Hoàn theo học trường quân chính, chưa từng đến trung tâm tân binh đặt cạnh làng Đường Vỹ. Cao Mộc Lân có thời gian dài làm việc dưới trướng Trương Lôi tại đây. Mọi ánh mắt đổ dồn vào Cao Mộc Lân khiến Lân bối rối lục lại trí nhớ, song chưa hiểu vì sao Chương lại nhắc đến trung tâm đào tạo đầu tiên của ba quân.
Chương đổi giọng:
- Sau đận này có dịp về Thiên Đức, các ông nhớ ghé thăm nơi ta gầy dựng ba quân.
Chúng tướng tuân mệnh, cùng chờ đợi điều Chương sắp nói.
- Hồi ta mới kiểm soát được Siêu Loại, để thuận tiện việc quân từ trung tâm, khi ấy còn là căn cứ, sang đất Siêu Loại chẳng phải đi vòng hay xẻ núi Linh Sơn, ta đã cho làm hệ thống ròng rọc vận chuyển khí tài, nhân lực. Ta nói vậy anh Lân nhớ ra chưa?
Cao Mộc Lân tròn mắt, giây lát sực nhớ vì đã đôi ba lần qua lại dãy Linh Sơn bằng hệ thống kỳ lạ ấy. Chúng tưởng dồn sự chú ý vào Cao Mộc Lân, Lân la lớn:
- Đúng rồi ạ! Đúng rồi! Bọn chúng có thể qua sông chẳng cần phải dùng thuyền hay lội. Bọn chúng dùng dây giăng ngang sông rồi đu qua, à không, dùng… dùng… đúng ạ. Chỉ cần một bên cao, một bên thấp thì chẳng phải đu, lại qua rất mau lẹ.
Chúng tướng nghe Cao Mộc Lân nói lại thêm phần hoang mang. Liêu Nhất Khổng cũng chẳng hiểu ra làm sao. Chương hắng giọng:
- Phát hiện này đều do Liêu tiên sinh mách cho ta. Ta thật tệ hại, phép qua sông đơn giản như thế mà chẳng nghĩ ra.
Liêu Nhất Khổng vội nói:
- Bẩm vương thượng, thuộc hạ nào có hiến kế gì. Thuộc hạ còn đang chưa hiểu lời Cao tướng quân đang nói.
Chương bảo Cao Mộc Lân vẽ lại hệ thống ròng rọc vắt ngang dãy Linh Sơn. Linh Sơn không cao như dãy núi Vua, trong chín ngọn chỉ có hai ngọn vách đá dựng, còn lại đều thoai thoải. Cao Mộc Lân ngồi xổm, vừa vẽ trên đất vừa hào hứng giải thích những điều tai nghe mắt thấy. Chúng tướng nghe đến đâu tròn mắt đến đó.
Liêu Nhất Khổng nghe và hỏi nhiều, sau cùng đưa ra kết luận:
- Như vậy… nếu bên phía Mường Động đóng một hệ thống cọc hoặc tận dụng cây rừng làm cột trụ, giăng dây sang bờ bên này. Thế thì… sao nhỉ? Lòng sông Hắc rất rộng, giăng qua sông dây sẽ võng xuống, độ nghiêng lớn rất nguy hiểm. Chúng đưa cả trăm người chẳng lẽ không ai thấy?
Bố Giáp bèn lên tiếng:
- Chúng đu sang vào ban đêm là được thôi.
Phùng Nguyên Hoàn bổ sung:
- Hắc Giang có một quãng sông hơi hẹp do hai bờ có vách núi dựng đứng. Mỗi lần tôi dẫn binh tuần phòng dọc bờ sông, đến quãng ấy đều phải đánh vòng về hướng Tây.
Mai Đắc Thắng đưa cho Phùng Nguyên Hoàn họa đồ để cùng xem. Cao Mộc Lân cũng nói:
- Chỗ cậu Hoàn nói là chỗ này. Mùa nước cạn chỉ đi được giữa dòng vì gần hai bờ có đá ngầm, nhiều trôn xoáy nước. Mùa này nước dâng cao, thuyền nhẹ đi ven bờ dễ dàng. Chỗ cậu Hoàn phải đi vòng một quãng xa ở bờ Sơn Lăng là núi Nhị Mã, bờ bên kia ngọn Nhất Mã do có đỉnh cao hơn. Hai ngọn núi châu đầu vào nhau như hai con chiến mã nên dân trong vùng mới gọi là Song Mã.
Phùng Nguyên Hoàn tiếp lời Cao Mộc Lân:
- Hai ngọn này như các cụ cao niên quanh vùng cho biết, chúng chỉ cách nhau chưa đầy trăm trượng do hai ngọn ngả vào nhau hệt như cái cổng. Vào mùa hạ hoặc những ngày trời quang sẽ nhìn thấy ngọn, bây giờ mùa đông, sương mù giăng, đứng dưới chẳng thể trông thấy ngọn ạ.
Chương ngả người trên ghế, gác chân lên cạnh bàn, hai mắt lim dim lắng nghe chúng tướng bàn tán rôm rả thì nhoẻn miệng cười hài lòng. Anh nói:
- Vậy đem binh bí mật lên ngọn Nhị Mã sẽ giải quyết xong đường lui của thổ binh.
Đoạn rồi Chương đứng bật dậy, lấy phấn vẽ lên bảng đen hình mô phỏng hai ngọn núi, bảo rằng:
- Đưa trinh sát mau chóng nắm tình hình, xác định độ cao, ước lượng điểm đầu cầu bên núi Nhất Mã rồi đem thần công lên bắn phá. Ta muốn bắt đám chuột nhắt để chúng thấy quân Thiên Đức không dễ dụng.
Bố Giáp liền hỏi:
- Bẩm vương thượng, còn kế hoạch t·ấn c·ông sang Mường Động thì sao ạ?
Chương thảy viên phấn xuống bàn, phủi tay, giọng thản nhiên:
- Quân du hí ngôn, kì này phải lấy Mường Động, ta không cần chúng xưng thần, Mường Động phải trở thành một châu phủ của ta. Lời ngon ngọt không nghe phải dùng đòn roi.
Chương bảo Mai Đắc Thắng:
- Xưa kia tiên vương đặt các xứ mường chung là châu Đà Bắc, ta thấy vùng đó quá rộng lớn, hãy đổi tên trên họa đồ xứ Mường Động từ nay gọi là lộ Đà Bắc.
Rồi Chương bảo với chúng tướng:
- Ông Giáp nắm quyền tổng chỉ huy, ông Khổng phụ tá, các ông còn lại nghe theo sắp xếp của ông Giáp. Ta chờ tin của các ông.
Phân phó xong xuôi, Chương như trút được gánh nặng, khoan thai rời khỏi hổ trướng để các tướng nghị bàn.