Chương 504: Liêu Nhất Khổng đầu Thiên Đức
Sơn Tây thuộc về Thiên Đức khiến sứ quân La thành và Tây Phù Liệt bị vây ba mặt, họ bắt buộc phải đưa ra lựa chọn liên kết với nhau. Sứ quân Đỗ Động Giang trước nay toạ sơn quan hổ đấu vì Thiên Đức ở xa, nay Thiên Đức đã kiểm soát Sơn Tây xem như đã kề sát nách, mối nguy cận kề nên cũng kết liên minh với La thành. Liên minh này tuy lỏng lẻo nhưng vẫn hơn là chẳng có.
Tô Trung Từ cũng sai sứ đến gặp sứ quân Ngô Thiên Sách ở Trường Châu, Đoàn Nhật Khanh ở Bình Kiều và ba sứ quân Quách Bốc, Đinh Sơn, Hà Tuấn cát cứ tại châu Đà Bắc bên bờ hữu ngạn Hắc Giang đề nghị kết giao và đều nhận được sự đồng ý do Thiên Đức quân lớn mạnh gây nguy hiểm cho họ. Bên cạnh đó, Thiên Đức khống chế thượng nguồn Hắc Giang, Hát Giang, Tích Lịch Giang và một phần Xích Giang khiến việc giao thương giữa miền thượng du và đồng bằng châu thổ gặp nhiều khó khăn. Muối khan hiếm, giá đã tăng gần gấp ba lần trước khi Sơn Nam Hạ và Đằng Châu bị mất và việc chuyên chở khó khăn hơn rất nhiều khi nhiều tuyến đường thuỷ huyết mạch bị phong toả. Đặc biệt ba sứ quân cát cứ ở châu Đà Bắc cần muối, họ phải chi nhiều lâm sản quý, thổ cẩm, da động vật, ngũ cốc, lá thuốc… hơn để đổi lấy muối bởi Thiên Đức không nhận bạc vàng.
Phong Châu mục Ngô Tất Sắc binh lực yếu hơn cả, chỗ đứng chân lại chưa vững nên tích cực giao hảo với các sứ quân ở Đà Bắc và Quảng Trí quân ở Tam Đái hòng thêm vây cánh. Tuy nhiên con đường thông thương giữa Ngô Tất Sắc và Quảng Trí quân càng ngày càng trở nên khó khăn khi phải dùng đường bộ hiểm trở. Quảng Trí quân hiện tại núng thế hơn cả khi ba mặt bị quây kín, chỉ còn mặt sau đồi núi hiểm trở, dân cư thưa thớt làm điểm tựa nên cách duy nhất Quảng Trí quân có thể làm là tìm đường thông thương, kết giao với tộc Nùng định cư ở vùng núi phía Bắc, vùng Vân Nam quốc hoặc tộc Bố Thổ sống ở đất Quế chưa thần phục Đại Vũ.
Bên cạnh việc kiểm soát và chiêu an bách tính Sơn Tây, Chương đồng thời cử nhiều toán binh mã nhỏ dò đường cắt đứt liên lạc giữa Quảng Trí quân và Ngô Tất Sắc và… khai thác quặng sắt, đồng, chì và vàng. Hàng chục doanh trại nhỏ được dựng tạm dưới tán cây rừng rậm rạp nhằm bảo vệ việc khai thác quặng. Vài lần Chương gửi thư dụ hàng Quảng Trí quân nhưng không nhận được hồi âm, anh không lấy làm lạ, cũng chẳng bận lòng vì đất Tam Đái bây giờ như món đồ trong túi, an dân Sơn Tây xong xuôi quét một trận sẽ giải quyết vấn đề. Chương xem Phan Văn Hầu như đối thủ truyền kiếp cần tự tay tiêu diệt nhưng trước khi loại bỏ đối thủ, Chương nhẩn nha như muốn t·ra t·ấn tinh thần họ Phan.
Chương dành nhiều thời gian ở cung Trường Xuân tìm hiểu đất đai và con người Sơn Tây, sắp đặt bộ máy tổ chức, lắng nghe nhiều ý kiến đề đạt nhằm giúp Sơn Tây mau chóng chuyển mình. Lam Khuê và Uyển Như cùng ở thành lo việc, Uyển Như vẫn chăm chú việc buôn bán còn Lam Khuê ngày ba bữa tự tay chăm lo cơm nước, hai nàng lần lượt cấn thai trong khoảng thời gian này. Triệu Nhã Lâm dù chung chăn gối thường xuyên vẫn chưa dính bầu và nhiệm vụ chính của cô nàng vẫn là đảm bảo an ninh thường nhật.
Chương nói với Lam Khuê và Nhã Lâm dành thời gian tuyển mộ nữ nhân Sơn Tây tuổi dưới 16 vào Thần Vũ quân đào tạo cả văn lẫn võ. Lý An ở Trường Xuân cung chung với Chương, ông lo sắp xếp và xây dựng Trường quân sự Sơn Tây cùng Trương Lôi, Triệu Văn Khoát, Đặng Công Chất. Lý Thái sư tạm rời xa chính sự về Nhất Vạn nghỉ ngơi, vui thú điền viên cùng cố nhân Phạm Tu.
Nhắc lại chuyện trước đó Liêu Nhất Khổng trốn sang đất Sơn Tây thì ẩn náu mấy ngày trời ven một ngôi làng nhỏ trong bộ dạng rách rưới của kẻ khất thực. Với nhân sĩ bụng đầy chữ như Liêu Nhất Khổng thì hành động này là khổ nhục kế, kế vừa khổ vừa nhục nhưng mấy năm một thân một mình phiêu bạt đất khách, Liêu Nhất Khổng đã buông bỏ liêm sỉ, tự ái của bản thân tự lúc nào rồi. Chờ tình hình yên ắng hơn một chút, Liêu Nhất Khổng chống gậy đến cổng doanh cha con họ Cao bỏ lại, nay tạm thời do Phùng Thanh Hòa tiếp quản và tướng sĩ đương bận rộn thu dọn lương thảo, quân trang, đồ đạc ngổn ngang. Xin xỏ mãi chả được, chờ đợi hai ngày trời Liêu Nhất Khổng mới gặp được Phùng Thanh Hòa từ trong quân doanh cưỡi ngựa đi ra. Nhất Khổng quỳ mọp chặn đường chiến mã, tự khai là mưu sĩ kinh sư trốn sang. Phùng Thanh Hòa nhìn bộ dạng lấm lem bẩn thỉu của Liêu Nhất Khổng với ánh mắt hồ nghi song đôi bàn tay dẫu đầy bùn đất nhưng các ngón thon gọn, mu bàn tay không lấy làm gân guốc cùng cặp mắt hơi xếch của Khổng khiến Phùng Thanh Hòa phải xuống ngựa xem cho kỹ càng.
- Ông tự nhận mưu sĩ kinh sư sao phiêu bạt đến nơi này làm gì và vì sao bộ dáng lại thành ra thế này?
- Bỉ nhân họ Liêu, tên Nhất Khổng. Cao lão tướng quân Cao Quang Chương có biết bỉ nhân.
Phùng Thanh Hòa nhoẻn miệng cười cúi xuống đỡ Liêu Nhất Khổng đứng dậy, ân cần hỏi:
- Liêu tiên sinh hà cớ gì trốn khỏi nơi phồn hoa đến nơi chiến địa đầy mùi máu tanh thế này?
Liêu Nhất Khổng đứng thẳng người đáp:
- Bỉ nhân thấy rằng ở La thành không có tiền đồ mặc dầu Tô Thái uý và Lý Sứ tướng đối đãi với bỉ nhân vô cùng trọng thị. Bỉ nhân không phải người Vạn Xuân mà là kẻ vong quốc đến nương nhờ đất này. Đằng nào cũng làm tôi, nếu có cơ hội vẫn nên chọn nơi có tiền đồ bởi chỉ có như thế mới thoả lòng.
Phùng Thanh Hòa lấy làm ngạc nhiên trước những lời thẳng như ruột ngựa của Liêu Nhất Khổng.
- Thưa Phùng tướng quân, bỉ nhân bỏ tối ra sáng là muốn được một lần được diện kiến Vạn Thắng vương vì nghe nói ngài ấy là bậc minh quân sẽ trị vì thiên hạ trong nay mai. Bỉ nhân không dám nhận bản thân là kẻ tài cao chí lớn nhưng Vạn Thắng vương thu dụng bỉ nhân, bỉ nhân nhất định gắng sức.
Phùng Thanh Hòa gãi đầu nhăn mặt nghe Liêu Nhất Khổng trình bày. Đến chừng Hòa hỏi:
- Chiến sự mới yên, tình hình lộn xộn sao Liêu tiên sinh không đi thẳng tới thành xin gặp Vạn Thắng vương mà lại chặn đường tại hạ? Vạn Thắng vương trọng hiền tài, tại hạ chỉ là một tiểu tướng thật khó giúp được gì cho tiên sinh.
- Chẳng dám giấu tướng quân, bỉ nhân cũng biết chút ít thông tin về ngài khi ở kinh thành, may gặp ngài ở đây. Bỉ nhân nhờ ngài nói giúp lên trên một lời, bỉ nhân đội ơn ngài lắm. Còn như… dạ thưa… bỉ nhân quả thật có thể đến thành trong bộ dạng này nhưng hậu quả sẽ khôn lường, liên luỵ nhiều người ạ.
Phùng Thanh Hòa ngạc nhiên hỏi, Liêu Nhất Khổng đáp:
- Nếu bỉ nhân đến tận cổng thành xin yết kiến thì cả ngàn người hay chuyện, sợ liên luỵ những người từng có mối thâm tình với bỉ nhân còn đang ở kinh thành. Thứ nữa, bậc minh quân như Vạn Thắng vương chẳng phải người thường, một việc nhỏ thôi nhưng ngài ấy sẽ nhìn ra nhiều hệ luỵ lớn hơn và đặt câu hỏi về cách mà bỉ nhân tìm đến cửa.
- Ý tiên sinh muốn nói là bọn ta có thể bị trách phạt vì để tiên sinh lọt qua ư?
Liêu Nhất Khổng vòng tay cúi đầu thay cho câu trả lời. Phùng Thanh Hòa mím môi thở dài ngầm thừa nhận lời Liêu Nhất Khổng có lý.
- Tại hạ không dám hứa hẹn gì, tiên sinh cứ ở tạm trong trại chờ ít hôm để tại hạ bẩm báo sự việc lên trên.
- Đội ơn Phùng tướng quân đã hiểu cho, bỉ nhân xin được chờ ở ngoài doanh vì nơi quân cơ dân thường không nên vào. Chưa kể lai kịch bỉ nhân còn chưa tỏ, phòng người ngay chẳng thể phòng k·ẻ g·ian.
Thanh Hòa lại cho là đúng, trong lòng lấy làm vui vì người đứng trước mặt rõ là kẻ có tầm nhìn xa và cẩn trọng. Thanh Hòa sai quân dựng tạm một cái lều tre ngoài cổng doanh cho Liêu Nhất Khổng và báo cáo sự việc về thành Sơn Tây.
Chương nghe xong bản báo cáo thì phá lên cười, nói với tả hữu:
- Ông ta không đơn giản, rất thẳng thắn với mục đích của chuyến đi! Như vậy ta đỡ mất công thăm dò. Cho ông ta đến, ta muốn gặp.
Lý Nhân Nghĩa đứng ra thưa:
- Đại Vương cần phải cẩn trọng vì đó có thể là gian kế hòng tiếp cận người hòng giở trò.
Chương gật gù:
- Cho là vậy, để xem ông ta giở trò gì. Như lời ông Chương nhận xét thì Liêu Nhất Khổng này đánh bạn với rượu ngon và thi thoảng đưa ra được vài kế sách thú vị, không loại trừ khả năng ông ta đông mưu bôi nhọ ta. Có phải không ông Chương?
Cao Quang Chương đứng dậy vòng tay thưa rằng:
- Mạt tướng có nghe Liêu Nhất Khổng này có góp ý trong việc cải tạo, nâng cấp các loại pháo đá đấy ạ. Gần đây Thái uý đang cho chế một loại tiễn lớn bắn liên hoàn xa đến vài mươi trượng, khả năng người này có đóng góp ạ.
Chương hỏi:
- Ông ta có thâm thù đại hận với Đại Vũ đế, điều này chắc chứ?
Cao Quang Chương chậm rãi đáp:
- Đó là ông ta nói như vậy ạ! Mạt tướng từng một lần nghe Từ Quý Châu, đồng hương của ông ta, kể rằng cha mẹ, vợ con,!anh em Liêu Nhất Khổng bị quân Đại Vũ s·át h·ại hết một lượt. Binh mã Vân Nam hàng Đại Vũ, ông ta và nhiều người khác trong quân không phục nên bỏ trốn xuống Vạn Xuân. Vạn Xuân ta là vùng đất lý tưởng cho kẻ sĩ phương Bắc nương náu và kinh thành rất lý tưởng cho việc ấy.
- Được! Vậy nhờ Cao tướng quân tiếp đãi ông ta ngay khi đến thành, ta sẽ gặp sau. Chỉ cần ông ta có tài và thực lòng giúp bách tính Vạn Xuân tự nhiên ta sẽ trọng dụng.
Liêu Nhất Khổng về thành, Cao Quang Chương tiếp đãi rất thân tình như thể những bằng hữu lâu ngày gặp lại. Sau những lời thăm hỏi xã giao cùng vài chén rượu nồng, chủ đề của hai người nói về những gì đã nhìn, đã trải qua bên dòng Tích Lịch bởi đó là chuyện họ vừa mới trải qua trước đây ít lâu. Liêu Nhất Khổng bảo Cao Quang Chương tìm thấy phúc trong hoạ, nhờ Cao Quang Chương thay mặt tạ ơn Vạn Thắng vương đã thu dụng.
Cao Quang Chương dẫn Liêu Nhất Khổng đi gặp Yết Kiêu, Yết Kiêu niềm nở tiếp đón trong bản doanh và luôn miệng hỏi thăm nơi ăn chốn ở của Liêu Nhất Khổng có được thoải mái hay không. Tiếp đó, Yết Kiêu đưa Khổng đến gặp Lý An, Trương Lôi… và một số người khác. Mọi người đều tiếp đón Liêu Nhất Khổng rất trọng thị vì biết ông ta là mưu sĩ. Ở thành Sơn Tây được hơn một tuần, Liêu Nhất Khổng nhận được chỉ thị của Vạn Thắng vương, điều ông ta đến làm việc cùng Nguyễn Trung Ngạn ở Sở Giáo dục Sơn Tây vừa mới thành lập, công việc còn bề bộn. Nhất Khổng thấy Trung Ngạn tuổi mới ngoài đôi mươi, nhanh nhẹn hoạt bát, luôn tay luôn chân với công việc, lại thấy Trung Ngạn ăn vận chẳng khác gì thường dân và lúc ăn cũng ngồi chung với mọi người thì lấy làm ngạc nhiên lắm. Làm quen được vài hôm, Trung Ngạn giao cho Liêu Nhất Khổng nhiệm vụ lập danh sách và tuyển dụng các thầy đồ dạy chữ trong 4 huyện 1 lộ bởi Liêu Nhất Khổng rành rẽ chữ nghĩa phương Bắc.
Liêu Nhất Khổng và 9 người khác bắt tay vào công việc mà không hỏi gì thêm. Chưa được gặp Vạn Thắng vương nhưng đã được giao công việc hiện tại, Liêu Nhất Khổng thừa hiểu bản thân phải làm tốt để có sự ghi nhận và đánh giá của những người xung quanh, dù sao Khổng cũng là người mới đến, cần thời gian thử thách. Bên cạnh đó, trong thời gian ngắn quan sát cách làm việc của những người đến từ Thiên Đức, Liêu Nhất Khổng thấy họ có điểm chung nhanh nhẹn, hay hỏi và cố gắng hoàn thành công việc sớm nhất có thể. Làm sẽ sai, người mới sai nhiều và hỏi nhiều nhưng Nguyễn Trung Ngạn, như Liêu Nhất Khổng trông thấy, và những thuộc hạ đều kiên trì giải thích, cầm tay chỉ việc chứ không quan cách, quát nạt, kẻ cả. Đó có thể là lệnh ở trên cũng có thể là thói quen làm việc tại Thiên Đức từ xưa đến nay.
- “Quân như vậy Chủ tướng thế nào? Quan như thế Vương ra làm sao?”
Đem theo những suy nghĩ ấy trong lòng, Liêu Nhất Khổng dành nhiều thời gian hỏi chuyện những người Nguyễn Trung Ngạn cử theo giúp sức, đó là cách Khổng học và làm quen với một chế độ mới mà Khổng dần nhận ra sự khác biệt hoàn toàn cung cách làm việc từng trải qua trước đây.
Nhóm của Liêu Nhất Khổng mời các thầy đồ ở huyện Sơn Lăng với tiền lương hàng tháng 150 đồng, 10 cân gạo trắng, 2 cân muối và 2 xấp vải mỗi năm. 1 năm xét tăng lương 1 lần không quá 20 đồng. Về thưởng, cuối mỗi năm thưởng 150 đồng, nếu đào tạo được 5 học trò giỏi trở lên thưởng thêm 30 đồng mỗi trò. Các thầy đồ huyện Sơn Lăng đều tham gia dạy chữ bởi họ không có lựa chọn khác. Thứ nhất tiền công hậu hĩnh, thứ hai dạy tại các trường thuộc huyện Sơn Lăng, nếu ở lại trường sẽ có nơi ở và ăn 1 bữa và sau cùng, lý do chính là bởi trước đó Vạn Thắng vương ban bố lệnh cấm thầy đồ dạy học tại nhà, ai vi phạm sẽ sung làm phu tạp dịch trong quân.
Liêu Nhất Khổng thấy mức đãi ngộ khá hậu hĩnh, thông qua những người cùng làm, Liêu Nhất Không biết Vạn Thắng vương rất chú trọng đến giáo dục và lấy làm ngạc nhiên khi trẻ con lên mười ở phủ Thiên Đức hiện tại đều đọc thông viết thạo chữ Vạn Xuân.
Quân sĩ Sư đoàn Sơn Tây hoặc quân địa phương bắt đầu dựng trường lớp, cứ vài làng nhỏ sẽ có một trường, làng nào kiểm đếm có nhiều thiếu niên dưới 15 tuổi thì làm trường riêng… Liêu Nhất Khổng bị cuốn vào công việc mới lạ. Vốn người từng trải lại học rộng biết nhiều, chẳng khó để Liêu Nhất Khổng hiểu ra chân lý, dù hãy còn mơ hồ, mở mang dân trí sẽ giúp đất nước trở nên cường thịnh trong nay mai. Tuy vậy, để làm được điều ấy cần có thời gian, lòng kiên trì, tính xuyên suốt và sự đồng lòng nhất trí từ trên xuống dưới.