Chương 432: Kế hoạch Cá Rô
Với kinh nghiệm tích luỹ sau gần chục năm làm quân báo, Trần Nhật Tôn đủ khả năng sắp xếp mọi thứ theo yêu cầu của Chương. Trần Nhật Tôn, Triệu Nhã Lâm, Duệ hay Thiên Bình đều hiểu rõ ràng Chương đang chuẩn bị cho tương lai lâu dài của Vạn Xuân. Bởi thế hồ sơ và công việc Chương giao cho Lương Thế Vinh rất ít người biết. Một số người liên quan, phục vụ cung cấp tin thật có chủ đích chỉ biết họ nằm trong “Kế hoạch Cá Rô”.
Lương Thế Vinh rời hàng quán của bà họ Đoàn cuốc bộ thẳng một mạch đến điểm hẹn. Người chờ sẵn ở điểm hẹn đưa Thế Vinh lên ngựa thẳng về làng Nhất Vạn trong đêm. Thế Vinh ở làng Nhất Vạn trong năm ngày chỉ ăn và ngủ, rảnh rỗi thì đọc sách. Trong khoảng thời gian này, Thế Vinh hạn chế tiếp xúc với dân trong làng, mỗi khi ra ngoài cậu đều phải dùng khăn bịt mặt che nhân dạng.
Ngày thứ sáu, Hoàng Như Hổ bí mật trở về làng thông báo tình hình và rằng thuộc hạ của Tưởng Kính đang tìm cách mua chuộc Như Hổ bằng bạc vàng cùng chức tước trong tương lai. Thậm chí, Như Hổ có thể đón mẹ già về phương Bắc cùng đoàn sứ thần một khi họ rời đất Thiên Đức.
Trần Nhật Tôn cung cấp thêm thông tin ở mặt trận phía Bắc, quân Thiên Đức đang giằng co với quân Tam Đái bất phân thắng bại. Thực tế, Chương hạ lệnh cho Phạm Cự Lượng không tiến quân hòng kéo dài thời gian. Mặt khác, Chương muốn Phan Văn Hầu điều thêm quân từ các vùng khác về lập phòng tuyến chặn quân Thiên Đức. Lão tướng Phạm Tu tham gia biên soạn kịch bản, ông nhận định Tưởng Kính là một con cáo già nên thông tin Lương Thế Vinh cung cấp phải bảy phần là thật bởi hắn có thể có những nguồn thông tin khác đối chiếu. Chương đồng tình với nhận định này.
Hoàng Như Hổ vội vã trở về quân doanh trước khi trời sáng.
Chiều đó, Trần Nhật Tôn đưa hai thiếu niên, một trai một gái ăn vận tả tơi, đầu tóc rối bời đến làng Nhất Vạn gặp Lương Thế Vinh. Nam thiếu niên mười ba tuổi là Đặng Mã La, con trai lớn của Đặng Công Chất. Ngay từ lúc lên sáu, Đặng Mã La đã được đào tạo để trở thành một võ tướng nối nghiệp cha, phục vụ Vạn Thắng vương thống nhất sơn hà. Đặng Mã La được đánh giá có tư chất thông minh, có tính gan dạ của võ tướng và nho nhã của văn nhân. Nữ thiếu niên là Trương Thị Vạn, út nữ của lão tướng Trương Lôi năm nay vừa tròn mười hai tuổi. Trương Thị Vạn ít nói, cá tính mạnh, thích binh đao hơn thêu thùa may vá. Cô gái nhỏ họ Trương này đã vài lần bị bêu tên trước trường do đánh nhau với bạn bè cùng trang lứa.
Chương muốn đào tạo thế hệ măng non, dĩ nhiên anh nhắm đến con cái của những tướng sĩ từng vào sinh ra tử với quân Thiên Đức. Điều này khiến gia đình tướng sĩ vui mừng bởi Vạn Thắng vương ưu ái, để ý đến con cái của họ. Còn những đứa trẻ, ngay từ lúc cắp sách đến trường, chúng đã được học, được nghe về Vạn Thắng vương. Được phục vụ Vạn Thắng vương là một vinh dự nhiều đứa trẻ ao ước. Chương rất hiểu điều này.
Theo kịch bản, Trần Nhật Tôn xây dựng nhân thân của Đặng Mã La và Trương Thị Vạn là trẻ mồ côi, cha mẹ đã mất khi quân Thiên Đức tràn sang châu Vũ Ninh đánh chiếm thành Bát Vạn. Hai đứa trẻ muốn ăn no mặc ấm, muốn thoát kiếp ở đợ và tất nhiên, muốn báo thù cho cha mẹ nên sẵn sàng làm theo lời chỉ bảo của người khác. Đặng Mã La lớn hơn, được chỉ định làm trưởng nhóm quân báo nhí. Sàn sàn tuổi nhau nên ba đứa trẻ mau chóng kết thân. Trước khi quay về dịch quán, ba đứa trẻ dùng cơm cùng Vạn Thắng vương, vẫn chẳng có sơn hào hải vị nhưng ngồi cùng mâm với bậc đế vương chỉ nghe trong sách vở đã là vinh dự quá sức tưởng tượng. Mã La và Thị Vạn thường được cha mẹ kể cho nghe những câu chuyện lúc Vạn Thắng vương dấy cờ lập nghiệp. Nay có cơ hội, chúng thi nhau kể chuyện cũ khiến Chương có chút bồi hồi. Đêm hôm ấy, ba đứa trẻ tay bị tay gậy dắt díu nhau cuốc bộ về chợ Diên Ứng. Mỗi đứa được cấp một thẻ bài nhỏ phòng thân, chỉ dùng khi nguy khốn nếu bị quân Thiên Đức bắt.
Chương đứng trông theo bóng dáng ba đứa trẻ lẫn vào màn đêm. Tuy Thần Vũ quân và Thân Vệ quân cắt cử người theo sau bảo vệ ba đứa trẻ nhưng Chương chẳng giấu được tiếng thở dài. Anh nói với Nhã Lâm:
- Tuổi ăn tuổi học mà chúng phải làm việc của người lớn, ta thật là kẻ chẳng ra gì.
- Ngài làm vậy cũng vì tương lai Vạn Xuân, chúng là người Vạn Xuân, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, thưa Đại Vương.
Đứng thêm một lúc nhìn màn đêm tối đen, đằng xa có những đốm sáng lập loè của mấy ngọn đuốc trên tháp canh, Chương bảo Nhã Lâm:
- Ta muốn về thăm nhà cũ.
- Ngay bây giờ ạ?
- Ừ!
- Ngài chờ em một khắc, em chuẩn bị ngay.
- Đừng có đánh động.
- Dạ!
Chương về đến làng Đường Vỹ vào giữa canh Ba, quân canh đóng nơi đầu làng được dặn giữ bí mật tuyệt đối. Chương tạt vào nhà bà Cả Ngư. Từ trong buồng bước ra, vừa trông thấy Chương ngồi bên bàn uống nước, bà Cả Ngư bước nhanh đến, rơm rớm nước mắt mắng mỏ vài câu rồi ôm chầm lấy anh. Đất Thiên Đức này chỉ có bà Cả Ngư mắng Chương mà quân sĩ thay vì nghiêm mặt lại đứng đó cười mừng.
- Thôi, mày ra thăm anh em trong trại huấn luyện để tao nấu nhanh nồi cơm, chốc tao đem ra nhà cũ cho mà ăn.
- Ây, bà lại vẽ chuyện.
- Mày không muốn thế ư?
- À có ạ! - Chương cười tít mắt. - Nhưng bà đừng có thịt gà. Mỗi lần cháu về mà nhà thiếu một con, lũ gà mái nó bực.
Chương mau chóng đến quân doanh và ngạc nhiên đôi chút khi quân sĩ mũ áo chỉnh tề đứng chờ sẵn. Thăm hỏi tướng sĩ xong xuôi, Chương kiểm tra một vòng doanh trại và lấy làm hài lòng khi mọi thứ ngăn nắp. So với mấy năm trước, cơ sở vật chất trong trại khang trang hơn mấy phần. Trước khi rời quân doanh, Trương Lôi đứng ra đại diện tân binh, bày tỏ vui mừng khi Vạn Thắng vương đến thăm.
- Thưa Đại Vương, tôi xin gửi gắm con bé út cho ngài, mong ngài chỉ bảo nó thành tài.
Đặng Công Chất tiếp lời Trương Lôi:
- Đặng Mã La là đứa ương ngạnh, nếu có điều mạo phạm, xin Đại Vương cứ theo phép quân mà trị.
Chương vỗ vai hai người, ôn tồn đáp:
- Hai ông thật buồn cười. Hai đứa đó là con của hai ông cũng như con của ta, sai thì phạt, đúng thì thưởng. Ta mong chúng tài năng hơn cha đấy nhé.
- Đa tạ ân điển của Đại Vương.
- Các ông cho anh em giải tán, tối mai thay ta khao quân một bữa ra trò. Bây giờ ta phải đi.
Trương Lôi hỏi:
- Đại Vương chưa tạt qua nhà cũ ạ?
- Chuẩn bị.
Trương Lôi thấy Triệu Nhã Lâm đứng sau Chương bỗng ánh mắt sáng lên. Chương chột dạ hỏi:
- Có chuyện gì?
Trương Lôi xoa hai tay vào nhau cười toe toét:
- Dạ thưa không có gì ạ. Chúng tôi xin cung tiễn Đại Vương về nghỉ, ngài cần gì cứ phân phó.
Chương khẽ chau mày liếc nhìn qua Đặng Công Chất cũng thấy ông này dường như cũng đang cố giấu nụ cười bí hiểm. Anh ngoái lại nhìn Nhã Lâm, cô nàng đứng đó, một tay đặt trên đốc kiếm, ánh mắt nhìn thẳng, tuyệt không để lộ cảm xúc gì.
Ngôi nhà cũ im lìm trong màn đêm, mấy ngọn đuốc cháy bập bùng không soi tỏ mặt người. Thân Vệ quân và đội nữ thị vệ chia quân bao quanh căn nhà đến hai vòng. Triệu Nhã Lâm định đẩy cửa cổng bước vào nhưng Chương ngăn lại, anh muốn tự tay làm điều đó.
- Cuộc sống bận rộn quá, ta chẳng nhớ lần gần nhất về thăm nhà là khi nào.
Cánh cổng bằng tre mở toang, Nhã Lâm cầm đuốc dẫn lối. Chương đứng giữa khoảng sân, hai tay chống nạnh nhìn ngó một hồi trước khi đẩy cửa bước vào nhà. Bên trong tối om nhưng không có mùi ẩm mốc do hàng ngày có người ra vào quét tước. Bà Cả Ngư tự tay làm điều ấy mặc dù binh sĩ không cho.
Chương thắp hai ngọn đèn, thắp hương khấn vái rồi ngả lưng trên ghế, mắt lim dim. Chẳng ai muốn làm phiền anh cho đến khi bà Cả Ngư gánh cơm canh đến. Bà muốn tự tay chuẩn bị cơm canh cho Chương, tự gánh ra, tự xới cơm cho Chương. Trong khi anh ăn, bà cụ kể chuyện làng xóm, chuyện nhà nào có trâu mới đẻ hay chuyện đánh bắt cá dưới sông.
Nhã Lâm đứng hầu bên cạnh lấy làm lạ.
- Bà còn sức đi cất vó không đấy?
- Tao á? Sức thì tao còn nhưng có ai cho tao làm đâu. Tao nói thật với mày chứ, tính ra cái hồi tao với mày ở đây yên bình, bây giờ đông vui nhưng tao cứ thấy thiếu thiếu.
- Thiếu cái gì? Bà bây giờ bận bịu với cháu nội quanh năm ngày tháng đúng mong ước còn đòi hỏi gì nữa?
- Thì đúng là vậy nhưng mày ở tiệt bên Vạn Xuân, thi thoảng tao nhớ mà già rồi, đi lại cũng khó khăn.
Chương cầm ngọn đèn dầu soi xuống đất, kéo ống quần của bà Cả Ngư lên, anh bĩu môi:
- Nhìn thế này bà còn đi được dăm chục năm nữa không chừng. Thế bà có hay đến thăm cái Nguyệt không?
- Nó hay về chứ tao nào đi được.
- Cuối cùng con trai vẫn là nhất, con gái với cháu chắt chả là cái đinh gì.
- Tiên sư mày, chỉ nói khó nghe là tài. Thế sáng mai mày đi chưa hay vẫn ở đây?
- Cháu chưa biết, bà có món gì ngon đãi thì cháu ở lại.
- Ờ… có đám mồng tơi với cà, sung muối, dưa gang muối cũng còn.
Chương hỏi Nhã Lâm:
- Mấy giờ rồi em?
- Dạ thưa gần cuối canh Tư.
- Thế trưa mai cháu ăn mấy món ấy, mà bà nấu cơm bằng niêu đất nhé, nồi gang này tốt nhưng niêu đất vẫn hơn.
- Gấp quá tao thổi không kịp, được rồi, trưa mai tao đem cơm đun niêu đất có cháy cho mày ăn. Mà cô này là cô nào, xinh đáo để nhỉ? Tao nhớ dạo trước là cô Thu Vân cơ mà?
- Cô này là Nhã Lâm, gan cùng mình lắm bà ạ.
- Đẹp thế này đẻ thêm cho mày mấy đứa thì tốt. Số mày đào hoa quá cháu ạ. Chả là vương con gái cũng cứ sấn vào.
Nhã Lâm thẹn đỏ mặt trong khi Chương tỉnh bơ. Anh kể cho bà Cả Ngư nghe chuyện gia đình, vì thế bà Cả Ngư muốn đến thăm Thiên Kim nay đã lên năm. Chờ Chương đánh chén xong xuôi bà Cả Ngư mới chịu ra về.
- Em có biết chuyện bà Cả Ngư cứu vớt và chăm ngài lúc ngài mới hạ phàm, nhưng nay ngài là đế vương, vì sao xưng hô lại dân dã như thế?
Chương vui vẻ đáp:
- Ta dẫu có làm vua bốn cõi vẫn chỉ là người được bà cụ cưu mang lúc bơ vơ. Ngoài vợ con ra, bà cụ là người thân của ta, là bà, là mẹ. Thiên hạ này chẳng ai dám đứng trước mặt ta mắng chửi nhưng bà cụ thì có.
Anh vặn vẹo vài cái, đưa tay che miệng, chỉ vào cái giường tre:
- Cái giường đó Thiên Bình, Duệ, Uyển Như và Lam Khuê từng ngủ trong thời gian dài, em ngủ tạm ở đó. À… dặn anh chị em tản ra, đừng có để bà con biết ta còn ở nhà.
Chương ngả lưng trên chiếc giường cũ kĩ, hai tay đặt sau gáy, đôi mắt lim dim nhớ lại những ngày xưa cũ lúc còn ở trong căn nhà này. Mới mấy năm trôi qua mà tưởng chừng như hàng chục năm có lẻ. Tiếng bước chân nhè nhẹ của Nhã Lâm sau khi nàng khép cánh cửa nhà, tiếng cọt kẹt phát ra khi nàng ngồi xuống giường khiến Chương bất giác cười một mình.
- Cái giường ấy hồi trước là của hai mẹ con bà Cả Ngư, sau này mấy người tranh nhau ngủ. Giường làm từ tre ngâm nên chẳng có mối mọt, trông cũ kỹ như thế nhưng chắc chắn lắm. Em ngủ không quen sẽ hơi đau lưng một chút.
- Thưa ngài, em được ngả lưng trên chiếc giường này là một vinh hạnh. Hoàng hậu và ba phi tần từng ngủ ở đây, thật là lạ.
- Lạ điều gì?
- Ngài tay không dựng cơ đồ, chẳng thân thích với ai. Hoàng hậu và các phi theo ngài từ lúc gian khó, em nể phục lắm. Chị Vân từng kể, vợ của Phạm Cự Lượng đại nhân, là chị Nguyệt ấy ạ, lần đầu gặp ngài đã đánh ngài b·ất t·ỉnh nhân sự.
Chương bật cười thành tiếng:
- Cô ấy đáo để lắm, có thế mới quản được tay Lượng. Đàn bà đất Van Xuân đều là hổ hết lượt. Tay Lượng tài giỏi nhưng vẫn chịu phép vợ, không dám làm điều gì bậy bạ. Với lại anh ta cũng chung tình, ta rất nể.
- Thưa ngài, em mạo muội hỏi, ngài có chung tình với ai không? Em biết ngài yêu thương bốn người con gái nhưng… phải có người nào đó ngài yêu chiều hơn một chút chứ ạ?
Chương im lặng không đáp, anh trở dậy ngồi bó gối trên giường nhớ bốn người vợ. Tự nhiên anh muốn gọi bốn nàng đến, cùng quây quần trong ngôi nhà nhỏ ven sông.