Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 424: Gặp lại thần đồng




Chương 424: Gặp lại thần đồng

Chiến sự chưa lấy gì làm căng thẳng. Chương nhận tin Phạm Ngũ Lão và Lan Ngư phủ bắt gọn một toán quân hỗn hợp của đối phương cũng không lấy làm vui mừng lắm bởi tâm tư của anh tập trung vào tin tức vừa được gửi từ làng Vạn Xuân. Sứ giả của Đại Vũ đế xin yết kiến và đang chờ tại dịch quán. Chương băn khoăn là bởi anh đồ rằng sứ giả xuất hiện hẳn có liên quan ít nhiều đến sự hiện diện của những nhóm người phương Bắc trong hàng ngũ quân Tam Đái. Tin tức do Phạm Ngũ Lão đưa về khẳng định thêm nhận định trước đó của Chương bởi trong hàng ngũ quân Tam Đái có sự phục vụ của khoảng gần hai nghìn chiến binh lạ mặt.

Sau một đêm trằn trọc, Chương trao lại quyền tổng chỉ huy cho Phạm Cự Lượng. Nhiệm vụ của Phạm Cự Lượng là đánh tan đội quân đồn trú trên ngọn đồi với t·hương v·ong thấp nhất. Chương trở về làng Vạn Xuân, theo tháp tùng có tiểu đội nữ thị vệ của Triệu Nhã Lâm cùng trung đội quân Thân Vệ do Ma Kê chỉ huy.

Ngô Thì Nhậm cùng một số người khác đón Chương bên bờ Thiên Đức. Chương hỏi nhưng Ngô Thì Nhậm cho biết, sứ giả Đại Vũ đế không tỏ bày, không nói mục đích của chuyến đi sứ lần này, nhất nhất chờ cho kỳ được Vạn Thắng vương trở về.

-Đây không phải lần đầu gã Tưởng Kính đó đi sứ! – Ngô Thì Nhậm nói. – Dẫu ta có cặn kẽ đến đâu chăng nữa, hắn nhất định cài được nội gián ở lẫn trong bách tính, chẳng thể ngoại trừ…

Chương ngắt lời Ngô Thì Nhậm:

-Đó là việc tất nhiên! Điều ta quan tâm lúc này là mục đích chuyến đi của Tưởng Kính, mọi khi hắn trình thư, sao lần này lại không? Chuyện người phương Bắc di cư xuống phương Nam ngày một nhiều khó mà tránh được. Ta đã suy ngẫm và đồ rằng mục đích của sứ giả phương Bắc rất có khả năng muốn chúng ta giao nộp những lưu dân hoặc…

Ngô Thì Nhậm tiếp lời:

-Đại Vương, hắn đã từng đòi Triệu Trung. Sau dạo đó Triệu Trung đưa được rất nhiều người Hoa quốc về Vạn Xuân cư ngụ. Tôi thiển nghĩ… Tưởng Kính đã nghe ngóng được gì đó và… và muốn hạch tội chúng ta. Đại Vương… ngài phài trù liệu.

Chương nhếch miệng cười nhạt:

-Tội gì? Cứ để hắn được nước làm tới, thích ra vẻ cũng mặc. Chúng ta còn nhỏ yếu, Vạn Xuân còn chưa thống nhất được, hòa hoãn thêm được năm nào hay năm ấy chứ dã tâm bành trướng xuống phương Nam của Đại Vũ đế sẽ không bao giờ thay đổi. Tưởng Kính đang ở dịch quán cùng ai?

-Cùng đoàn tùy tùng của hắn, trước sau hơn trăm người ạ!

-Việc ta từ tiền tuyến trở về đừng vội loan ra, chậm ngày nào hay ngày ấy, ta muốn xem gã sứ giả này thực sự muốn gì. Phục dịch ở nơi đó có ai có thể dùng được không?

-Dạ bẩm Đại Vương, tất cả đều là người thân tín, đều đáng tin ạ.

Chương không nói gì thêm, anh nhảy lên ngựa ra hiệu cho mọi người mau di chuyển trước khi trời sáng rõ. Một lát sau Chương đã ở trong làng Nhất Vạn ngồi uống trà với Phạm Tu, cả hai người cùng trầm ngâm theo đuổi những suy tính riêng. Lúc sau Chương gọi Triệu Nhã Lâm:

-Em còn nhớ thằng bé họ Lương ranh mãnh hồi cuối năm ngoái không?

-Dạ… Lương Tích Am, em có nhớ ạ.



-Tự nhiên ta nhớ ra thằng bé đó, em mau cho người tìm hiểu xem giờ nó đang ở đâu rồi báo cho ta càng sớm càng tốt. Trước mắt ta ở đây cùng Tả Đô đốc, dặn anh chị em tản ra, đừng có để người ngoài biết.

-Rõ!

Triệu Nhã Lâm quay đi rồi, Phạm Tu mới hỏi Chương:

-Lương Tích Am? Họ Lương ở vùng này rất ít, thằng bé đó có gì hay mà cháu đặc biệt nhớ như vậy?

-Trẻ em Thiên Đức chẳng thiếu thần đồng nhưng cháu chưa có cơ hội gặp một cách khách quan. Thằng bé này…

Chương kể cho Phạm Tu nghe về Lương Tích Am, nghe xong Phạm Tu cười mà rằng:

-Cũng thú vị đấy, nhưng liệu có nên cơm cháo gì không?

-So với những người trưởng thành đang ở trong dịch quán, ít ra Lương Tích Am sẽ đỡ bị nghi ngờ hơn cả. Chưa kể, cháu cũng muốn lỡm tay sứ giả hách dịch ấy. Đây là đất của chúng ta mà nó đến cứ như thể mình là nô bộc vậy.

-Láo nháo cho nó một đao!

-Thế lại dễ quá, cần gì chúng ta phải tâm tư chứ?

-Bực thì ta nói vậy chứ bang giao cần khôn khéo. - Phạm Tu thở dài. - Ngày ta còn xông pha chiến trận, máu đổ thành sông. Nói chẳng ngoa, mỗi tấc đất đều có máu của bách tính. Nhún một chút mà yên, tránh binh đao vẫn là tốt hơn cả.

-Bí quá cháu sẽ dùng Duệ nhưng lâu dài vẫn cứ nên để một nam nhân đứng mũi chịu sào sẽ tốt hơn. Người phương Bắc không trọng dụng nữ nhân, bang giao càng không.

Thị vệ vào bẩm báo bà Dung đang đến nên câu chuyện tạm dừng, cũng lâu rồi Chương chưa gặp mẹ vợ. Bà Dung dường như đã quen sống ở làng Nhất Vạn, bởi vậy bà vẫn hay qua lại giữa hai nơi.

Nói về Lương Tích Am, cậu bé con nhà nông, quê huyện Nam Sách, Chương đã gặp hồi cuối năm trước. Chỉ mấy tháng ngắn ngủi, cuộc sống của Lương Tích Am đã thay đổi hoàn toàn. Cậu không còn ở ngôi làng nhỏ cùng với mẹ nữa. Ngôi trường nhỏ nơi thôn quê không thể níu giữ đôi chân bé nhỏ thích khám phá và thường xuyên quan tâm đến những đề tài khó hiểu. Sẵn có tiền trong tay, mẹ lại thương chiều, Tích Am nung nấu ý định thoát ly.

Nhưng tuổi mười hai thì quá nhỏ để rời làng và Tích Am cũng chẳng biết sẽ đi đâu. Cậu chàng từng nghĩ sẽ đến huyện Thuỷ Đường tìm thiếu gia họ Lý, người thương nhân trẻ khờ khạo đã cho cậu mượn tiền. Tích Am muốn theo chân Lý thiếu gia, tin rằng sẽ biết thêm được sự lạ ở đời.



Đầu xuân năm mới làng bên tổ chức tế lễ ở ngôi đình làng có tuổi đời ngót trăm năm. Sau màn tế lễ các cụ sẽ tổ chức thi đánh cờ người, thi bình thơ… Lương Tích Am nằm trong số ít những đứa trẻ thức dậy sớm xem các cụ cao niên tế lễ. Các cụ tế lễ xong cũng là lúc mặt trời lên cao, cuộc thi cờ người bắt đầu trên những thửa ruộng chưa cấy ở phía trước ngôi đình làng. Cuộc thi không giới hạn độ tuổi tham gia nhưng nhìn khắp các thửa ruộng đều thấy đàn ông trung niên đầu quấn khăn đỏ đứng chơi. Lương Tích Am đăng ký tham gia, chẳng ai chê bai cậu bởi nhiều người biết Lương Tích Am có phần tài trí hơn bạn bè cùng trang lứa. Tuy không chê nhưng các cụ không tin cậu bé tuổi mười hai có thể thắng được các bậc cao niên.

Chơi cờ cũng như đánh trận, một thằng bé đọc thông viết thạo chưa hẳn đã giỏi chơi cờ.

Hiệu trưởng ngôi trường Tích Am theo học là ông giáo Cự cũng là một trong số các kỳ thủ. Ông giáo cự chơi cờ người không tệ, ông đã thắng ba người khác và… người thứ tư ông phải đối mặt lại chính là cậu học trò khác người đang cười nhăn nhở như nông dân được mùa. Lương Tích Am thấp bé nhẹ cân phải đứng trên ghế đẩu chơi cờ nhưng mau chóng loại bỏ ba đấu thủ râu tóc bạc phơ.

- Thằng bé này không vừa, ông giáo liệu thắng được nó không?

Ông giáo Cự so vai:

- Nó là học trò ở trường nhưng ở đây nó là đấu thủ của tôi. Chưa đụng chưa thể biết được.

- Ông là thầy mà thua nó là mất mặt lắm, chi bằng ông bảo nó lui đi.

Ông giáo Cự cười hiền lành, đưa tay chít thật chặt tấm khăn đỏ đang quấn trên đầu.

- Tôi vẫn dạy học trò phải ăn ngay nói thẳng, nếu nó thẳng được tôi thì tôi lấy làm vui vì nó giỏi. Các ông phải nghĩ theo chiều hướng ấy mới được. Tre già măng mọc, cha ông ta vẫn dạy thế còn gì.

Ông giáo Cự bước về phía Lương Tích Am, nhìn theo bóng lưng ông giáo, ba ông cụ vừa chiến bại cùng thở dài:

- Thầy nào trò nấy, cứ gàn gàn làm sao ấy.

Một ông khác liền nói thêm:

- Đằng kia có lão gia xã bên nghe nói cao cờ lắm, ta nên qua đó xem, mặc cho thầy trò nhà họ phân cao thấp.

Trong khi ấy ông giáo Cự và Lương Tích Am ở hai đầu bờ ruộng bắt đầu di chuyển những quân cờ người đầu tiên. Trong khi ông giáo Cự thận trọng trong mỗi bước đi thì trái lại, Lương Tích Am điều quân rất mau, thi thoảng cất tiếng thúc giục thầy. Ông giáo Cự ban đầu còn bình thản nhưng càng về sau càng bí cờ dẫn đến bực dọc. Cộng thêm những người đứng xem la ó, trêu chọc ông giáo già khiến ông càng chơi càng yếu thế và chịu thua trước cậu học trò nhỏ đang cầm cờ đứng chống nạnh trên ghế đẩu ở phía đối diện cười tít mắt.

- Đội ơn thầy đã nhường cho con!

Lương Tích Am chạy te te đến bên cạnh ông giáo Cự, toan ôm lấy ông nhưng bị đẩy ra.

- Nhường cái gì mà nhường! Ta thua mày là thua, mày đừng có lẻo mồm.



Lương Tích Am cười toe toét:

- Vậy con sẽ thắng hết các cụ, như thế thầy có bằng lòng?

- Mày đừng có hiếu thắng, tài giỏi cũng phải khiêm tốn chứ.

- Dạ! Người đứng đầu sẽ có một nén bạc, con nhất định sẽ có được.

Ông giáo Cự cười khổ:

- Mày chỉ vì tiền thôi hả con?

- Có thứ đó mới mau đi xa được thầy ạ.

- Thôi mặc xác mày, nếu mày thắng hết các cụ thì ta cũng chẳng mất mặt, trường ta cũng thơm lây.

Đoạn ông giáo Cự nheo mắt ngó xung quanh rồi bảo:

- Cuộc đời không giản đơn đâu con ạ, núi cao còn có núi cao hơn. Đừng vì chiến thắng những người vô danh như ta mà đắc ý, cần phải khiêm nhường. Đằng kia có cao nhân chơi cờ đang thắng như chẻ tre, e rằng năm nay ngôi cao thủ không còn thuộc về người xã này nữa rồi.

Hai thầy trò len giữa đám đông ngó vào xem bàn cờ người đã đi vào tàn cuộc, người chiếm thế thượng phong là ông trung niên họ Đặng, một người có danh tiếng và vai vế ở xã bên. Hai thầy trò Tích Am đi sang thửa ruộng bên cạnh, nơi có cuộc tỉ thí giữa một nho sinh tuổi đôi mươi và một ông cụ râu tóc bạc phơ ngồi chống gậy suy tính từng nước đi. Nhiều người xem bàn luận nhưng người chơi dường như chẳng bận tâm.

- Ông cụ chắc sẽ thua mất. - Lương Tích Am kéo áo thầy nói nhỏ. - Cái anh kia không xoàng đâu. Anh ấy người ở đâu vậy thầy?

- Ta không biết! - Ông giáo Cự lắc đầu. - Nghe nói anh ta ở trong quân, hồi năm trước từng đi thi cờ vua hay cờ tướng gì đó ở phủ Thiên Đức.

- Ầy! - Lương Tích Am tỏ vẻ phấn khích. - Cũng xem là một nhân tài. Nếu anh đó thắng, con sẽ là đấu thủ của anh ấy phải không ạ?

Ông giáo Cự lại gần tấm bảng đen xem cho rõ rồi mới gật gù nói với Tích Am:

- Quả đúng như vậy. Thời buổi này kiếm 1 nén bạc đâu dễ.

Lương Tích Am bỏ ngoài tai lời thầy. Cậu chen vào theo dõi nhất cử nhất động của người mà cậu tin rằng sẽ là đấu thủ trong một chốc nữa.