Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 409: Chị em khác họ




Chương 409: Chị em khác họ

Ở một nơi mà bản thân có vẻ như là người duy nhất mù thứ chữ kỳ lạ, Yên Thư cảm thấy mất mát trong lòng và có phần tự ti hơn. Một lần, cô lấy hết can đảm, ngập ngừng đề đạt với Trương Lôi mong muốn được học chữ Bụt. Nàng trình bày rằng, nếu học được chữ ấy sẽ hầu cận Trương Lôi tốt hơn. Trương Lôi nghe xong bèn nói:

-Cô muốn học chữ là tốt. Đọc thông viết thạo ngày sau mới tiến thân được. Học không phải phục vụ cho ta đâu, học cho bản thân trước rồi phục vụ Vương, phục vụ Vạn Xuân.

Trương Lôi, Chu Diện, Bùi Như Lạc và một số người khác thay nhau dạy cho Yên Thư bảng chữ cái, sau mươi ngày thì nàng thuộc mặt chữ. Các cô gái ở cùng sẵn sàng dạy cho Yên Thư vào buổi tối. Nhờ vậy, Yên Thư có bạn. Nàng dối rằng mình ở Nghĩa Trụ Thượng. Các cô gái tỏ ra thông cảm và động viên Yên Thư:

-Bên ấy mới về Thiên Đức một thời gian nên chưa nhiều người thông thạo chữ này. Cô mà chăm chỉ, lại biết cả chữ Hán, nhất định tương lai sáng sủa.

Yên Thư không dám nói thật nhân thân bởi trước khi đưa cô từ Luy Lâu sang Bát Vạn, Phạm Bỉnh Di đến gặp cô dặn dò vài điều. Trong thời gian ở Bát Vạn và cả trung tâm này, Yên Thư biết Phạm Bỉnh Di thực sự là một hung thần với gian tế. Yên Thư nghĩ bản thân khai thực nên được đối đãi tử tế, thầm mang ơn Vạn Thắng vương.

Yên Thư từng đến trại Phủ Sóc nhiều lần, nếu so với trung tâm này, Yên Thư cảm thấy xấu hổ khi so sánh. Tường bao của trung tâm xây gạch cao, kiên cố. Nhà cửa cho quân ở khang trang, nơi ngủ nghỉ tươm tất và cách huấn luyện cũng không như những gì nàng từng thấy.

Binh sĩ có học đánh gậy, đánh giáo, dùng đao, cưỡi ngựa… nhưng thu hút nhất vẫn là tập thần khí. Yên Thư có trông thấy nhưng chưa từng được sờ đến. Nghe nói, để sở hữu được một thần khí, phải trải qua ba tháng huấn luyện, và phải có khả năng thiện xạ nữa.

Trong quá trình học, Yên Thư ngạc nhiên hơn khi biết chữ Vạn Xuân do Vạn Thắng vương sáng tạo ra. Tất cả những thần khí trong quân hay các bài huấn luyện cũng vậy. Yên Thư chẳng tin lắm. Vạn Thắng vương trạc tuổi anh trai Dương Vũ Thư của nàng. Chừng ấy tuổi sao có thể biết nhiều và tài giỏi đến vậy được.

Nghe những lời ca tụng của các cô gái về vị vương một mình chống cả đội quân Tam Đái, chế ra thứ thuyền không cần mái chèo lướt nhanh như gió đến Sơn Tây, tất nhiên Yên Thư chẳng tin. Cho rằng đó là mị dân, do kẻ dưới tô vẽ mà thành.

Tai nghe nhiều, mắt thấy tay sờ nhiều thứ trong trung tâm, Yên Thư dần nghi ngờ chính bản thân mình. Nàng cũng muốn đến xem ngôi nhà mái tranh ven sông, nơi Vạn Thắng vương từng ở khi gầy dựng đội quân nhỏ bé. Có một cô gái huyện Thiên Đức từng bảo với Yên Thư:

-Chỉ khi nào các sứ quân g·iết hết người huyện Thiên Đức may ra mới bắt được Vương. Cả cái huyện này mang ơn ngài ấy. Cha mẹ tôi có dặn, tôi phải phấn đấu vào trong quân Thần Vũ để bảo vệ cho Vương, Hoàng hậu và phi tần của ngài.

Yên Thư hỏi về Thần phi, các cô gái đều kể vanh vách, có cô còn tự hào kể rằng lúc còn nhỏ đã tận mắt thấy Thần phi đứng trên tường cao kêu gọi mọi người kéo sang đánh quân Tam Đái bên kia sông. Hình ảnh ấy khắc sâu vào tâm trí cô gái trẻ, cô cũng muốn có ngày sẽ có khí chất như vậy.

Con gái nhiều chuyện, nhờ vậy mà chỉ một thời gian ngắn ở chung, Yên Thư đã thuộc lòng tiểu sử của những người đứng đầu Thiên Đức. Ngay cả cái ông Trương Lôi, người đứng đầu trung tâm huấn luyện cũng là tướng đối địch, bị Vạn Thắng vương đánh gục rồi cứu sống. Một trong số các câu chuyện mà Yên Thư nhớ nhất, chính là Trịnh Quý phi thích sát Vạn Thắng vương ở Linh Sơn Cổ tự. Một nữ thích khách lại trở thành Quý phi. Đến cái ông Bùi Như Lạc mặt lúc nào cũng khó đăm đăm nhưng ai hỏi đến là cười như được mùa lúa kia nghe đâu là cậu ruột của Trịnh Quý phi.

-“Chả lẽ Vạn Thắng vương có ý gì với mình ư?”

Yên Thư đã từng nghĩ như vậy, rất nhiều lần! Chỉ có vậy mới giúp nàng lý giải được nguyên do nàng đang ở chốn này mà thôi.

Yên Thư đang ngồi nấu cơm trong bếp cùng một cô gái khác. Nàng dùng que cời bếp viết loằng ngoằng trên nền bếp, thi thoảng lại cười khúc khích với cô gái bên cạnh. Bên ngoài có tiếng người chào hỏi và tiếng bước chân. Hai cô gái ngưng tiếng, dỏng tai nghe.

-Lâm Ái phi đến, Ái phi đến!

Đèn đuốc lập tức thắp sáng rực. Yên Thư và cô gái bên cạnh chạy ra cửa bếp đứng nghiêm, vẻ bối rối vì quần áo không được chỉnh tề và nhất là Lâm Ái phi đang bước nhanh về phía căn bếp. Yên Thư thoáng sợ hãi. Nàng còn nhớ lần đến làng Vạn Xuân, Lâm Ái phi có đôi lần nhìn nàng chằm chằm với ánh mắt sắc lạnh.

Lâm Uyển Như dừng chân trước mặt Yên Thư, Yên Thư không dám nhìn thẳng, cô nàng nhìn chếch về bên vai trái người đang đứng đối điện. Lâm Uyển Như nhìn Yên Thư một hồi từ đầu xuống chân khiến cô nàng sợ vã mồ hôi lạnh. Yên Thư cũng không hiểu vì sao cô lại sợ như vậy.

-Ta có chuyện riêng cần hỏi Dương Yên Thư, phiền các em một chút nhé.



Mọi người rời đi, chỉ còn Đinh Hương đứng gần bên Uyển Như. Bấy giờ Uyển Như mới nhẹ giọng hỏi:

-Yên Thư! Trong bản cung khai lần trước, nếu ta nhớ không nhầm, cô khai rằng thân mẫu của cô quanh năm suốt tháng ở nhà lo việc đồng áng và võ đường?

-Dạ thưa đúng ạ!

-Cô nói thân mẫu của cô là Dương thị?

-Thưa đúng ạ!

Lâm Uyển Như chau mày:

-Thân mẫu của cô không phải là Lạc Thị Sim ư?

Đôi mắt Dương Yên Thư chớp chớp, dường như đang cố nhớ điều gì đó.

-Dạ thưa! Tên huý của gia mẫu tôi là Lạc Thị Sim. Thưa Ái phi, tôi không có ý dối gạt người. Lạc Thị Sim là tên thời con gái của gia mẫu. Tôi có khai rằng gia mẫu không phải người Đằng Châu mà từ nơi khác đến. Tôi không biết nơi đó ở đâu. Gia mẫu làm dâu nhà họ Dương nên đổi sang họ Dương. Dạ! Tôi không có dối gạt, Ái phi hỏi nên tôi mới nhớ ra vì tên huý của gia mẫu rất ít người…

Nói đến đây Yên Thư đổi sắc mặt:

-Dạ? Gia mẫu của tôi có chuyện gì sao, thưa Ái phi? Sao… sao người lại biết? Có phải huynh trưởng của tôi đã theo về Thiên Đức không ạ?

Lâm Uyển Như đáp:

-Ta không biết! Hiện tại quân Đằng Châu chỉ còn chống cự ở huyện Kiến Xương. Huyện Thái Bình, Vũ Thư, Thập Xuân và Giao Thuỷ đã nằm trong tầm kiểm soát của Thiên Đức. Song thân của cô hiện ở bên Hoàng hậu. Chị dâu của cô và hai đứa nhỏ đã được quân Thân Vệ đưa đến Thập Xuân. Nay mai sẽ về Thiên Đức.

-Dạ… - Yên Thư lo lắng. - Còn… còn… huynh trưởng của tôi.

Uyển Như cười:

-Ồ! Cô rất thương anh của mình nhỉ? Ta không rõ nhưng nếu anh ta không chống Thiên Đức nhất định an toàn. Vậy thân mẫu của cô đích thực là Lạc Thị Sim?

-Dạ đúng ạ!

-Và cô được bà ấy truyền thụ thứ này…

Nói đoạn, Lâm Uyển Như lùi về sau múa một bài quyền trong sự ngây ngốc của Yên Thư.



-Có phải Bạch Hổ Thần quyền không?

Dương Yên Thư gật gật, mắt không chớp.

-Đây! Có phải tuyệt chiêu Phật gia quyền không?

-Sao… sao người lại biết?

Lâm Uyển Như thu quyền, thở nhẹ ra một hơi, miệng lẩm bẩm:

-Dạo này lười tập, ây da!

-Gia mẫu của tôi nói, môn võ này chỉ truyền cho nữ nhân trong nhà, đặc biệt là con gái họ Lạc. Tôi… tôi không phải con gái họ Lạc. - Yên Thư lắp bắp. - Nhưng gia mẫu bảo rằng không muốn môn võ này thất truyền nên đã dạy cho tôi. Thưa Ái phi… người là con gái của Lâm lão gia ở kinh thành…

Lâm Uyển Như cười, nụ cười rất trìu mến:

-Ồ! Đúng thế! Nhưng mẹ ta có tên huý là Lạc Thị Mua. Bà có một người em gái là Lạc Thị Sim và mấy người anh em khác nữa.

Yên Thư nhất thời không hiểu:

-Dạ? Lạc Thị Sim ạ?

Bấy giờ Lâm Uyển Như mới bước đến gần, bất ngờ ôm chầm lấy Yên Thư, vỗ nhẹ vào lưng cô nàng vài cái, giọng xúc động:

-Chúng ta là chị em! Phải đấy, bà Lạc Thị Sim chính là dì ruột của ta. Sinh thời mẹ ta có hay nhắc. Chúng ta là chị em một nhà, trời ơi!

Lâm Uyển Như khóc, Yên Thư đứng ngây ra như khúc gỗ.

Trên đời lắm chuyện lạ kỳ nhưng Yên Thư chẳng bao giờ có thể tưởng tượng được tình huống này.

Lâm Uyển Như quệt những vệt nhọ nồi còn dính trên gò má Yên Thư rồi lại ôm chầm lấy cô mà khóc. Đinh Hương thấy vậy bèn lui ra ngoài, để không gian riêng tư cho hai chị em họ trùng phùng.

-Chị hay phân cao thấp với Hoàng hậu, Hoàng hậu tỉ thí với dì và dễ dàng hoá giải tuyệt chiêu Phật gia quyền. Nhờ vậy… nhờ vậy mới nhận ra nhau. Trời ơi! Xa cách bấy lâu không nhận ra, ta suýt nữa hại em của mình.

Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt của hai người. Lâm Uyển Như buông bỏ mọi phòng ngự, cứ ôm Yên Thư mà khóc. Yên Thư đứng lặng im sụt sùi, nhớ lại những chuyện xưa cũ mẹ cô từng kể bên ngọn đèn heo hắt trong những đêm khuya năm cũ. Yên Thư loáng thoáng nhớ, người chị ruột của mẹ theo thuyền buôn về xuôi tìm kế sinh nhai mà chẳng thấy trở về như đã hẹn.

Đêm đó Lâm Uyển Như ở lại trong trung tâm, nàng khao tất cả các cô gái một bữa thịnh soạn, cả trung tâm sáng đèn suốt đêm chung niềm vui đoàn tụ với Ái phi. Sáng ngày ra, Lâm Uyển Như muốn đưa Yên Thư về làng Vạn Xuân nhưng không được. Trương Lôi cương quyết:

-Ái phi! Đầu tôi chỉ có một cái mà thôi, người đưa Yên Thư cô nương đây ra khỏi trung tâm thì chúng tôi biết ăn nói sao với Vương? Quân lệnh mà trái, tôi nào gánh được.

-Ta là Ái phi, chẳng lẽ chú không nể mặt ư?



-Trời ơi là trời! Người là Ái phi xinh đẹp hơn vạn người, tài năng xuất chúng ra sao cả Thiên Đức đều biết nhưng người có ở trong quân đâu. Tôi nào dám làm khó người, nhưng mệnh lệnh Vương đã ban ra, chúng tôi không dám trái.

-Hừ! - Lâm Uyển Như lộ vẻ không bằng lòng, giậm châm huỳnh huỵch. - Vương đã dặn chú cái gì chứ?

-Dương Yên Thư này không được ra khỏi trung tâm, nếu ai để cô ấy thoát ra hoặc tự ý đưa đi thì chẳng riêng đầu tôi mà đầu của mấy ông này cũng chẳng còn trên cổ. Việc quân cơ, chúng tôi nào dám hỏi.

-Nhưng đây là em ta mà?

-Nào ai nghi ngờ việc ấy đâu cơ chứ? Nhìn hai người đẹp như nhau, chắc chắn là chị em một nhà. Hay thế này, tôi sẽ báo tin về Vạn Xuân xin…

-Thôi chú đừng hòng, ta biết tỏng. Vương ở tận Tiên Minh, nhanh cũng phải hai, ba ngày ta mới có lệnh.

Trương Lôi cười xoà:

-Chị em cả đời, sớm muộn gì một vài ngày. Ta nói vậy đúng không Yên Thư?

Yên Thư nghe vậy liền giải vây cho bọn Trương Lôi. Lâm Uyển Như đành rời trung tâm mà không đưa được Yên Thư đi. Nàng nhờ Trương Lôi nếu có lệnh của Vạn Thắng vương hãy cử người đưa Yên Thư về làng Vạn Xuân.

Trương Lôi vuốt mồ hôi trán, vỗ nhẹ lên miệng vài cái:

-May ta không làm gì khó với cô chứ không lại phiền với Ái phi đấy.

-Tạ ơn Trương đại nhân, Chu đại nhân, Bùi đại nhân! - Yên Thư nói. - Con nhờ mọi người chỉ bảo thêm. Ái phi có nói, nếu có dây mơ dễ má càng phải gương mẫu không thì Vạn Thắng vương sẽ trách.

Trương Lôi cười hỉ hả:

-Một đứa trẻ ngoan, ngoan! Hồi trước Trịnh Quý phi cũng có khởi đầu như cháu đấy, cố gắng nhé!

Ba ông trung niên kéo nhau đi, bỏ mặc Yên Thư đỏ mặt đứng đó một hồi trước khi trở về làm việc.

Trên xe ngựa, Đinh Hương nói với Uyển Như:

-Hẳn do liên quan đến quân tình nên Vương mới có lệnh như vậy. Ái phi nên thông cảm cho người.

Lâm Uyển Như bật cười:

-Ta giận gì đâu. Tính chồng ta, ta hiểu. Ta không dại chọc giận. Ta nghĩ lại những ngày qua, may sao Vương xử trí linh hoạt. Cũng may em gái ta có nhan sắc, Vương thương hoa tiếc ngọc nên không nỡ chứ nếu không có nhan sắc sợ là sắp giỗ đầu rồi. Ây… mê gái đẹp đôi khi cũng tốt mà, phải không?

Đinh Hương cười khúc khích.

Xưa nay anh hùng đi với mỹ nhân cũng chẳng có gì lạ.