Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 295: Phó Đô Ngự sử Ngô Hy Doãn




Chương 295: Phó Đô Ngự sử Ngô Hy Doãn

Bấy giờ ở kinh đô La thành, Tô Trung Từ lệnh cho Đô thống Đại nguyên soái Lý Mẫn gấp rút chuẩn bị khởi binh cùng tiến đánh Thiên Đức. Ngô Hy Doãn, một văn thần tuổi chừng tứ tuần, quê làng Thượng Phúc, gần kinh đô, xin bái kiến Phụ quốc Thái uý Tô Trung Từ.

Ngô Hy Doãn sinh ra và lớn lên trong một gia đình danh gia vọng tộc, mấy đời theo nghiệp bút nghiên. Ở tuổi đôi mươi, Ngô Hy Doãn thi đỗ Thái học sinh. Lý Nam Vương từng khen Hy Doãn là “tài học không dưới người”. Ngô Hy Doãn hiện là Phó Đô Ngự sử, làm việc trong Ngự sử đài. Ngự sử đài là cơ quan được lập ra với nhiệm vụ can gián nhà vua, xem lại chính sách hoặc công việc chưa đúng của quan lại. Chức vụ cao nhất của cơ quan này là Đô Ngự Sử.

-Chẳng hay có chuyện gì mà ngài Phó Đô Ngự sử phải cất công đến thăm Thái uý phủ? Quan quân có kẻ nào càn quấy chăng?

Ngô Hy Doãn đáp:

-Bẩm ngài Thái Uý, quan quân trong thành trên dưới đều nghiêm quân lệnh, tuyệt chẳng có ai sau quấy điều chi. Mấy hôm trước hạ quan có bàn với ngài Đô Ngự sử việc khởi binh đánh Thiên Đức lúc này là rất không nên. Đô Ngự sử còn trù trừ chưa gặp Thái uý thưa trình, bởi vậy hạ quan đành mạn phép.

Tô Trung Từ nghe vậy không hài lòng nhưng vẫn hỏi:

-Phó Đô Ngự sử đại nhân vốn học cao hiểu rộng, ngài nói vậy hẳn có căn nguyên?

-Bẩm Thái sư. - Ngô Hy Doãn từ tốn đáp. - Ta kết liên với bên Đông Phù Liệt, Vũ Ninh và Tam Đái. Ba sứ quân này đều là anh em họ Nguyễn, hai trong số bọn họ có thù với Thiên Đức nên hào hứng là lẽ thường nhưng chúng ta vốn chẳng có hiềm gì với họ. Đánh họ ta sẽ được lợi gì? Hạ quan nghĩ nếu đắc lợi, chỉ Vũ Ninh vương đắc lợi nhất.

Tô Trung Từ gật gật mấy cái, ra vẻ rất hiểu. Ngô Hy Doãn lại nói:

-Đánh Thiên Đức thì có chiếm không? Chắc ta sẽ chiếm một vùng từ Xích Giang đến mạn thành Luy Lâu vì địa hình bằng phẳng, dễ tiến dễ thoái và cách hậu phương chỉ một con sông. Ta thấy ắt quân Thiên Đức cũng thấy, họ phòng bị là đương nhiên. Hạ quan ngẫm mãi về mục đích của việc khởi binh, chả lẽ vì Thiên Đức lớn mạnh nên ta phải đánh sớm chăng?

Tô Trung Từ thản nhiên:

-Thời nay cá lớn nuốt cá bé, ta không ra tay ắt sẽ bị kẻ khác ra tay. Phó Đô Ngự sử đại nhân, ngài cũng không lạ gì, nếu một mai quân Thiên Đức bành trướng như chúng đang làm thì La thành nguy mất.

Ngô Hy Doãn giở tấm hoạ đồ ra, nói:



-Thiên Đức thôn tính các nơi có xu hướng dạt về đằng Tây và Nam, họ muốn mở đường ra bể và đã làm được. Nay Thái uý khởi binh sợ là đã muộn, theo thiển ý của hạ quan thì… Vũ Ninh là vùng giáp ranh, đất Vũ Ninh người đông của lắm, ta chiếm Vũ Ninh làm đối trọng của Thiên Đức chẳng phải tốt biết mấy ư? Xét về lực bây giờ… - Ngô Hy Doãn thở dài. - Vũ Ninh và Tam Đái hợp lại cũng khó chống Thiên Đức mà Thiên Đức dù có thù với Vũ Ninh vương, thay vì đánh Bắc lại cứ đi dẹp Nam. Thái uý có thấy lạ không?

-Chúng sợ bị vây khốn tứ phía, tận dụng con của Trần Minh công non dại dâng đất tận miệng. Còn như bọn họ La, chúng chỉ là lũ võ biền mà thôi.

Ngô Doãn Hy lắc đầu:

-Thưa Thái uý, quân Thiên Đức nhắm phương Nam và Tây ngoài lý do may mắn như Thái uý vừa nói, theo hạ quan thấy, bọn họ muốn phân định với Phạm Lệnh công ở Đằng Châu. Và… ngài xem đây, Thiên Đức kiểm soát mấy cửa sông.

-Ý ông là chúng sẽ kiểm soát rồi phong toả các cửa sông hòng bặt chẹt ta? Lối ra biển thiếu gì đường, chúng ngăn cản thương nhân thông thương thì có ích gì?

-Ngăn cản thì không nhưng kiểm soát thì có đấy, thưa ngài. - Ngô Hy Doãn đều giọng. - Hẳn Thiên Đức biết ta đánh họ nên ra tay trước, đánh bọn Lê Hoan và La Lệnh công là để tạo thế và lực mới. Ngài bất ngờ đánh sẽ thắng nhưng tính bất ngờ không còn sợ là ý nguyện khó thành. Tả Đô đốc Phạm Tu là bậc trung thần, ông ta không bao giờ động binh với Trữ quân. Hạ quan nghĩ kết giao với họ là hơn cả. Kết với Thiên Đức chia Vũ Ninh rồi lấy Đông Phù Liệt chẳng phải dễ hơn sao? Ta động binh mà chỉ để dạy cho Thiên Đức một bài học liệu có đáng?

Tô Trung Từ nhếch miệng cười, một lúc sau mới nói:

-Ngài là văn nhân, tài trí của ngài ta không nghi ngờ gì. Đúng như ngài nói, ta chiếm Vũ Ninh và Đông Phù Liệt là tốt hơn cả. Song lấy cớ gì mà đánh? Đánh có thắng không? Chi bằng rủ họ cùng đánh một kẻ đang mạnh để hao bớt binh lực, lúc ấy ta lấy cũng chẳng muộn.

Ngô Hy Doãn nghe Tô Trung Từ nói vậy bỗng đổi nét mặt, nói:

-Đánh không cần thắng, vậy hao binh tổn tướng cũng không nên, thưa Thái uý.

-Chúng ta đã quyết rồi. Thiên Đức liên tục đánh phá các nơi, quân sĩ thiện chiến. Ta cũng muốn ba quân thủ sức với chúng để không phải bất ngờ.

Ngô Hy Doãn cố vớt vát:

-Hạ quan vẫn nghĩ Thái uý nên cân nhắc lại một lần. Trước nay Thiên Đức vẫn có ý thần phục Trữ quân, động binh với kẻ không thù với ta ắt thêm hoạ.



Ngô Hy Doãn không thuyết được Tô Trung Từ, sau lại xin yết kiến Trữ quân Lý Long Xưởng, kết quả cũng chẳng khác. Ngô Hy Doãn vô cùng chán nản khi trong triều nhất nhất đều theo ý Tô Trung Từ.

Ngô Hy Doãn không muốn Tô Trung Từ khởi binh đánh Thiên Đức bởi xét thấy đánh khó thắng, thắng cũng chưa rõ lợi ở đâu. Thêm nữa, kết liên với một đám bất tài sợ là thêm hoạ vào thân. 2 trong số những sứ quân dự tính bắt tay đã bị hạ chóng vánh là bằng chứng cho thấy đối thủ không phải là những hữu dũng vô mưu, miệng hôi sữa, vô danh tiểu tốt như tướng sĩ La thành truyền nhau bên bàn rượu. Một đám trẻ thắng một trận là cậy sức, thắng hai trận có khi do may, thắng ba trận hẳn do địch yếu mà cứ thắng mãi ắt đằng sau có mưu sĩ ẩn thân mách nước.

Ngô Hy Doãn là văn thần tất nhiên trọng mưu sĩ, chẳng ưa binh đao. Tả Đô đốc Phạm Tu là danh tướng, Ngô Hy Doãn chỉ nghe mà chưa gặp bởi lúc Hy Doãn vào triều là lúc Phạm Tu thất sủng, treo ấn từ quan. Hy Doãn nghe nói Phạm Tu cũng là người cơ mưu, càng tin hơn khi Phạm Tu ẩn thân hơn chục năm trời mới dựng cờ và chỉ vài năm đã gây sóng gió.

Những Đô thống Đại nguyên soái hay Đô thống nguyên soái giờ đây nắm ba quân liệu có phải là đối thủ của Tả Đô đốc Phạm Tu hay không? Danh vọng và địa vị họ đang có phần lớn có được do ngoan ngoãn nghe lời Tô Trung Từ mà được cất nhắc. Bậc trung thần hay tướng tài trong quân có nghịch ý đều chẳng còn tiếng nói.

Ngô Hy Doãn chẳng biết Vạn Thắng vương là ai, chỉ nghe nói đó là một người trẻ họ Mạc, tuổi chưa đến ba mươi. Người đó xuất hiện gắn liền với sự lớn mạnh của quân Thiên Đức, bậc kỳ tài đó chẳng biết Phạm Tu tìm được ở đâu và vì sao Phạm Tu lại chịu lui về sau, đến lá cờ Thiên Gia Bảo Hựu nghe đâu cũng chỉ treo trong làng Nhất Vạn mà thôi.

-Đạt Hiên đại nhân có tâm sự hay sao mà thơ thẩn nhu mất hồn thế này? Đại nhân với gặp Trữ quân, không được thuận nên suy tư hả?

Ngô Hy Doãn ngẩng đầu lên nhìn quanh, nhận ra người vừa cất tiếng hỏi chính là Lê Phụng Hiểu.

-Tả Thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ! - Ngô Hy Doãn thi lễ. - Hạ quan mải ngẫm nên không thấy ngài, mong ngài thứ lỗi.

Lê Phụng Hiểu tươi cười bước lại gần.

-Đạt Hiên đại nhân, lâu lắm hạ quan không gặp ngài. Ngài vẫn mạnh chứ?

Thấy Phụng Hiểu không gọi chức vụ của mình mà gọi tên hiệu, Ngô Hy Doãn cũng đổi cách xưng hô, đáp:

-Phụng Hiểu đại nhân, tôi vẫn khoẻ luôn.

-Đạt Hiên đại nhân, tôi mới có mấy nậm rượu được người ta cho, nghe nói rất ngon. Đạt Hiên đại nhân vốn thích thưởng rượu ngắm trăng, nếu đại nhân không vội, mời đại nhân tạt vào hàn xá cùng thưởng thức với tôi có được chăng?



Ngô Hy Doãn vui vẻ cùng Lê Phụng Hiểu về phủ đệ. Cổ nhân nói, rượu ngon phải có bạn hiền mà rượu vào ắt lời ra. Phụng Hiểu uống dăm bảy chén trở nên hào hứng, thêm vài chén nữa câu chuyện đẩy đưa đến công việc. Lê Phụng Hiểu than:

-Tôi cũng chỉ là con chó canh cửa mà thôi, Đạt Hiên đại nhân đừng đề cao tôi quá, không đáng, không đáng. Cái thằng như tôi năm xưa xuất thân bần hàn, biết dăm ba chữ nghĩa, chỉ vì thời thế vung gươm trừ một vương mới được cất nhắc mà thôi.

-Phụng Hiểu chớ nói lung tung mang vạ vào thân thì khốn.

-Đạt Hiên đại nhân là người tôi trọng xưa nay, là bậc danh sĩ trong thiên hạ. Ngự sử đài mang tiếng là can gián nhưng cả cơ quan ấy có ai đứng ra nói lời nghịch nhĩ? Đô Ngự sử ư? Ông ấy là một tên c·hết nhát, ngồi được chỗ ấy cũng vì con cháu ông ta có thông gia với nhà họ Tô.

Lê Phụng Hiểu ngửa cổ uống thêm một chén, đưa ống tay áo quệt miệng rồi lại nói:

-Giang sơn này chẳng còn của họ Lý mà sắp đổi sang họ Tô rồi, đổi sang họ Tô rồi, Đạt Hiên đại nhân có hay chăng?

Đoạn Phụng Hiểu rơm rớm nước mắt. Ngô Hy Doãn kéo ghế lại gần hạ giọng:

-Phụng Hiểu huynh, thôi, đừng nói những lời như vậy kẻo vạ đến thân. Chúng ta biết vậy là được rồi.

Lê Phụng Hiểu quệt nước mắt, quay ra nói với Ngô Hy Doãn:

-Đạt Hiên đại nhân, ngài chỉ lả văn thần ngày ngày đèn sách mà dám yết kiến Trữ quân tấu trình thiệt hơn. Tôi bái phục ngài. Một con chó còn có ích, hữu dũng vô mưu như tôi ai thèm để tâm. Đạt Hiên đại nhân hãy cẩn trọng, nay mai Thái uý nhất định sẽ hoạnh hoẹ đại nhân.

Ngô Hy Doãn thở dài:

-Tôi cũng biết thế, nhưng không nói ra thì ấm ức, có điều nhờ vậy tôi mới hay, Thái uý khởi binh ngoài đánh Thiên Đức còn có thâm ý làm các sứ quân khác suy yếu. Đánh mà không muốn thắng đã là thua ngay từ đầu, lại là cái cớ ngày sau người ta đến cổng đòi nợ. Chỉ lương dân bách tính là khổ thôi Phụng Hiểu huynh ạ.

Phụng Hiểu nghe Ngô Hy Doãn nói vậy như thể tỉnh rượu hoặc thực chưa từng say, vội đứng dậy ra ngoài dặn thuộc hạ có ai gặp thì báo bận.

-Trong thư phòng còn có trà ngon, mời Đạt Hiên đại nhân quá bộ.

Ngô Hy Doãn ngước mắt nhìn Phụng Hiểu, khẽ chau mày vui vẻ bước theo sau.