Chương 262: Phạm Sư Mạnh
Trước khi về Thiên Đức, Chương đến làng Hiệp Sơn vào buổi chiều tà không trống reo cờ mở, chỉ có trăm nữ binh cận vệ theo sau. Trần Công Tích ở An Sơn Phủ gần đó không được báo trước. Vùng đất mới chiếm được, tuy dân thuần tính nhưng Chương không muốn binh sĩ mệt nhọc theo bảo vệ.
Quân đến cổng làng Hiệp Sơn đã thấy các bậc cao niên trong làng y phục tề chỉnh, đấu vấn khăn đỏ chia hai hàng tả hữu nghênh đón khiến Chương lấy làm lạ. Hỏi ra mới biết, Trần Công Tích từng nói Vạn Thắng vương ngỏ ý muốn đến thăm Phạm tiên sinh. Các bậc cao niên làng Hiệp Sơn nghe đồn rằng quân cận vệ của Vạn Thắng vương đều là nữ nhân vận y phục lụa vàng, đầu chít khăn vàng, thắt lưng vải đỏ, chân đi hài cói. Bởi vậy nữ binh tiền trạm dò hỏi là dân làng đã chắc mẩm Vương đến.
Dù chả muốn, Chương vẫn phải chờ các cụ cao niên hành lễ xong một lượt mới nói:
-Thưa các cụ, ta đến thăm Phạm tiên sinh chẳng báo trước mà các cụ làng ta đón thế này thật ta lấy làm vui mừng lắm. Cổ nhân dạy kính lão đắc thọ, trước ta cảm tạ các cụ, chúc các cụ mạnh khoẻ. Sau ta mong là lần tới đến thăm làng, các cụ chào đón như con cháu về làng chứ đừng hành lễ quân thần như vậy. Thần phi của ta vốn người Hải Đông, ta coi Hải Đông là quê hương. Nay mới đuổi được Lê Hoan, việc công còn nhiều chỗ chưa thoả, mong tới đây các cụ giúp sức thêm cho.
Đoạn Chương tặng làng Hiệp Sơn 20 nén vàng, biếu mỗi cụ cao niên 1 tiền. Mâm xôi con gà cùng bánh trái dân làng dâng, Chương đều nhận, đứng tại chỗ ăn vài miếng tượng trưng, hỏi han dăm câu ba điều rồi nữ binh đem những đồ lễ phân phát hết cho dân làng, nhất là đám trẻ.
Chỉ có mươi nữ binh theo Chương đến nhà Phạm Sư Mạnh. Cảnh nhà đơn sơ, Phạm Sư Mạnh điềm nhiên ngồi đọc sách trên chõng kê ở giữa khoảng sân đất nện. Mãi đến khi Chương vào đến cổng, Sư Mạnh mới xỏ dép hớn hở chạy ra khom lưng mời vào. Chương ngồi trên chõng, liếc qua cuốn sách Phạm Sư Mạnh đang đọc song chẳng hiểu gì. Phạm Sư Mạnh đem pha trà, dẫn thê tử ra bái chào, Chương xoa đầu bốn đứa con của Sư Mạnh, đứa nào đứa nấy mặt mày sáng láng, đứa lớn nhất là con trai, 14 tuổi. Anh khen vài câu xã giao, cho mỗi đứa 1 tiền, dặn vài điều vô thưởng vô phạt ra chiều quan tâm lắm.
-Ta nghe Trần công tử nói về Phạm tiên sinh rất nhiều, nay gặp tiên sinh quả y lời. Tiên sinh là thầy của các vương tôn công tử Hải Đông, cớ sao cảnh nhà còn đơn sơ đến vậy?
-Bẩm Vương! Phạm mỗ chỉ là thầy đồ trong làng, được nhiều đại nhân quý phủ tin yêu mà gửi gắm con đến học dăm chữ lận lưng. Một thầy đồ trong làng nhỏ mà nuôi bốn con khôn lớn cũng là tốt lắm rồi.
-Ta được nghe tiên sinh từng đỗ Thái học sinh tiền triều nhưng cáo quan về quê dạy học nên lấy làm cảm phục lắm. - Chương nhoẻn miệng cười. - Thật không giấu tiên sinh, Thiên Đức đang hiếu nhân tài, ta đến gặp tiên sinh ngoài việc thăm nhà cũng là muốn mời tiên sinh đem sức ra giúp cho.
Phạm Sư Mạnh chắp tay tạ ơn, nói:
-Vương có ý như vậy, Phạm mỗ nghe mà vui trong lòng, ngặt nỗi Phạm mỗ chỉ là anh đồ dạy chữ, tài hèn sức mọn sợ rằng phụ lòng Vương.
Chương nhấp một ngụm trà, đứng dậy chắp tay sau lưng đi quanh sân ngắm nghía một vòng. Phạm Sư Mạnh chắp tay theo hầu. Lúc sau trở lại chõng, Chương mới hỏi:
-Phạm tiên sinh dạy chữ để làm gì?
Phạm Sư Mạnh nhất thời chưa đoán được ẩn ý của Chương nhưng cũng đáp:
-Phạm mỗ cho rằng biết chữ, đọc sách để thông làu kinh sử, học được cái tài của tiền nhân truyền lại, thêm hiểu biết luân lý, biết lẽ phải trái.
-Và…
-Nếu theo đường khoa cử mà thành, đem tài hèn sức mọn phò vua giúp nước.
-Nước chia năm xẻ bảy đâu còn vua để khuông phò. - Chương cười.
-Dạ bẩm Vương, chưa có khác với không có.
Chương cầm cuốn sách Phạm Sư Mạnh đang đọc, hờ hững lật giở rồi đặt lại chỗ cũ hỏi sách gì, Phạm Sư Mạnh đáp:
-Thưa Vương, là Tam tự kinh.
-Sách vỡ lòng dành cho người học Hán tự sao?
-Bẩm đúng ạ.
Chương ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
-Ta không biết Hán tự song Thần phi của ta, nữ nhân thôn Thuỷ Đường cho hay, sách này mới mở đầu đã dạy “Nhân chi sơ tính bổn thiện, tính tương cận tập tương viễn” có phải chăng?
Phạm Sư Mạnh bẩm đúng, Chương nói tiếp:
-Lời này rất đúng nhưng con trẻ còn nhỏ dại đã phải học triết lý liệu có thấm? Cũng có người dạy “Nhân chi sơ tính bổn ác, lý tính hậu lai tập đắc" cũng đúng. Ta cho là, học phải đi đôi với hành mới mau tiến bộ. Học chữ nghĩa hay làm gì cũng phải có mục đích rõ ràng từ đầu, có phải chăng?
Phạm Sư Mạnh đồng tình, Chương lại nói:
-Sách này của người Hoa quốc, họ rất giỏi. Vậy Phạm tiên sinh cho ta hỏi, sách sử mà tiên sinh dạy cho học trò là sách sử của ai? Sử Vạn Xuân chăng?
Phạm Sư Mạnh tỏ ra lúng túng, Chương bồi thêm:
-Ta thấy thực vô lý làm sao, chúng ta con dân Vạn Xuân do tiên vương dựng cờ đuổi người Hoa quốc đi lập nên. Bây giờ con cháu vẫn cứ học điển tích, văn chương, suy nghĩ, nói năng theo người Hoa quốc là nghĩa thế nào? Dân ta mà chẳng biết sử ta, Phạm tiên sinh rõ điều này hơn ta.
-Bẩm Vương, điều Vương nói thực Phạm mỗ rất hiểu song Phạm mỗ chỉ là một thầy đồ làng.
Chương ngắt lời Phạm Sư Mạnh:
-Phạm tiên sinh đỗ Thái học sinh, ta không biết có bao nhiêu người đỗ chức ấy, chỉ nghe Thần phi từng nói người đỗ Thái học sinh chữ nghĩa đầy một bụng, học sâu biết rộng. Ta thấy chẳng sai nhưng đúng thì chưa hẳn. Tiên sinh chán cảnh quan trường về quê dạy chữ cũng chẳng sai, ai cũng có quyền lựa chọn. Dạy sử Hoa quốc cũng không sai nhưng lại chẳng đúng. Tiên sinh từng nghĩ đến điều ta nói song chưa làm, chưa có cơ hội làm hoặc… chẳng thể làm cũng… chẳng sai. Một cánh én chẳng thể làm nên mùa xuân mà.
Đoạn Chương tản bộ đến bờ ao trước nhà Phạm Sư Mạnh, chỉ xuống ao hỏi:
-Dưới ao có gì?
-Dạ bẩm… có nước ạ!
Chương khẽ nhún vai một cái, cúi xuống nhặt một hòn đất, giơ ra trước mặt Phạm Sư Mạnh, Mạnh đáp:
-Dạ… là đất thưa Vương.
Chương thả cục đất xuống ao và nói:
-Phạm tiên sinh thấy những vòng tròn chứ?
-Thưa Vương, dạ có thấy ạ.
Chương thở dài:
-Nước đấy, ai cũng thấy nước. Đất đây, ai cũng thấy đất. Ném đất xuống nước, đất tan vào nước.
Chương lại cúi xuống vơ một nắm đất thả xuống ao, nói đầy ngụ ý:
-Nhiều hòn đất nhỏ vẫn tạo sóng rộng hơn một hòn lớn. Đất này của người Vạn Xuân, nước này cũng của người Vạn Xuân. Người học Hán tự có được bao cuốn sách? Học hết luân lý ở đời không thể thi cử đem tài giúp nước thì học làm gì? Để bình thơ? Viết câu đối ngày Tết? Ta thiết nghĩ việc ấy không sai nhưng tiếc thay chí làm trai cỏn con.
Đoạn Chương ngẩng lên nhìn trời, trầm ngâm:
-Phạm tiên sinh dừng dạy thứ chữ đó cho môn đệ nữa, đừng dạy họ các điển cố điển tích làm gì. Đất Vạn Xuân này anh hùng nhiều như sao trên trời, hãy viết về họ, tìm hiểu về họ mà truyền cho đời sau. Giờ cũng đã muộn, ta phải về thành, hẹn Phạm tiên sinh lần tới đàm đạo thêm nhé.
Tiễn Chương ra gần đến cổng, Phạm Sư Mạnh bỗng quỳ rồi nói:
-Mong Vương xá tội, Sư Mạnh biết ngài đến mà không ra đón.
Chương đỡ dậy cười mà rằng:
-Ta chưa phải Vương đất này, chỉ là khách đến chơi nhà mà thôi. Phạm tiên sinh không cần bận lòng, hãy ngẫm kỹ lời ta nói. Ta không ép uổng, nếu nghĩ thông hãy đến tìm ta.
Trên đường hồi thành, Chương tủm tỉm cười một mình.
Phạm Sư Mạnh chong đèn suốt đêm hết ra lại vào, mãi đến gần sáng mới hiểu ẩn ý của Chương. Chương ví bản thân là cục đất to, những người như Mạnh là cục đất nhỏ, trăm người nghìn người chả phải nước rộng hay sao? Mạnh lầm bầm một mình:
-Có nghe Vương không biết chữ nghĩa, cầm quân đánh trận như thần tưởng rằng là bậc võ tướng, không ngờ lại có nhiều thâm ý đến vậy. Xưa nay anh hùng trong thiên hạ đều giỏi binh đao, mưu sĩ nhiều kế hiểm. Nay bên cạnh Vương không thấy mưu sĩ mà toàn võ tướng, ngài ấy không cần mưu sĩ ư? Nguyễn Bình Khiêm có nói đất Vạn Xuân sẽ sớm về tay họ Mạc, ta còn bán tín bán nghi, nay gặp Vương quả thật khác người. Nếu Vương nghĩ cho dân cho nước chứ không phải vì tranh bá xưng hùng thì đáng cho ta theo lắm.
Ngày hôm sau, Phạm Sư Mạnh đến An Sơn phủ nhờ môn đệ Trần Công Tích tiến cử với Vạn Thắng vương. Trần Công Tích lấy làm mừng vội dẫn thầy đến thành Kinh Môn tham kiến Vạn Thắng vương.
Phạm Sư Mạnh dẫn vợ con về phủ Thiên Đức theo Chương. Môn đệ của Phạm Sư Mạnh, trong đó gồm Trần Công Tích, hơn hai chục người đều theo về hết lượt.
Đối với Chương, lấy thành Kinh Môn không vui bằng thu nạp thêm nhân sĩ.
Chương trở về trong lòng vẫn thắc mắc người tên Nguyễn Bình Khiêm là ai mà đôi ba lần từng nghe tả hữu nhắc tên. Chỉ biết người ấy quê Hải Đông, còn như cư ngụ ở đâu thật không ai hay biết.