Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 123: Cá không chết mà lưới rách




Chương 123: Cá không chết mà lưới rách

Binh sĩ vào báo với Duệ, thuyền vải vóc của ông Cả Lụa cập bến Huyết chở theo mấy người, có cả trẻ nhỏ.

-Họ đưa cái này bảo gửi cô.

Duệ nhận miếng sắt nhỏ, lật mặt sau lập tức thay đổi nét mặt.

-Thượng khách, các anh mau đưa họ đến nhà bà Cả Ngư.

Chương không ở quân doanh mà sang Nhất Vạn từ sớm cùng các chỉ huy. Duệ đầu tắt mặt tối lo sổ sách vì trong quân biên chế lại cho có thêm thuỷ binh của Yết Kiêu.

Duệ đứng ngoài cổng ngôi nhà mái tranh chờ đợi đến khi thấy bóng dáng Hàn Thuyên cùng gia quyến. Cô bước nhanh đến đón, vẻ niềm nở:

-Thuyên tiên sinh, ngài đã đến. Chúng ta mới gặp chiều hôm qua.

Hàn Thuyên và phụ mẫu định chắp tay chào thì Duệ đã ngăn lại:

-Tiên sinh đã đến đây, ngài là người của Thiên Đức. Thiên Đức không theo lễ cũ mà tiểu nữ là hậu bối, tiên sinh đừng đa lễ. Cháu mời hai bác vào nhà nghỉ ngơi.

Duệ nhìn mấy đứa nhỏ:

-Chả hay phu nhân của tiên sinh đâu?

-Nương tử của tại hạ đi chuyến sau.

Mấy nữ binh đến đỡ tay nải, hai đứa bé được ẵm lên, đứa lớn thì một cô dắt đi. Như nhiều người lần đầu đến, Hàn Thuyên ngơ ngác nhìn quang cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền nhưng phần nhiều ngạc nhiên vì ngôi nhà tranh đơn sơ giống như bao ngôi nhà ở các làng mạc Vạn Xuân.

Mời trà nước xong, đoán được thắc mắc trong lòng Hàn Thuyên, Duệ giải thích:

-Căn nhà này là của bà Cả Ngư, bà cụ là người thôn Đường Vỹ. Chủ tướng của tiểu nữ được bà cụ cứu mạng nên ngôi nhà này xem như phủ đệ của chủ tướng. Thượng khách của Thiên Đức đều đón tiếp ở đây cả, thưa tiên sinh.

-Duệ tiểu thư, tại hạ có thể gặp chủ tướng được không?

-Chủ tướng cùng các anh chỉ huy đang ở bên Nhất Vạn, nhanh cũng phải tối mới về. Tiên sinh không cần vội.

Duệ gọi một nữ binh vào, nói:

-Em sắp xếp người chốc nữa đưa Thuyên tiên sinh và phụ mẫu về ở tạm trong làng Duệ nhé.

Đoạn Duệ đến ngồi cạnh phụ mẫu của Hàn Thuyên và nói:

-Hai bác lớn tuổi mà bọn cháu để hai bác phải đi xa thế này thật có lỗi. Chốc nữa hai bác về nghỉ tạm ở nhà trong làng gần chân núi, mấy hôm nữa chúng cháu sẽ dựng nhà để gia đình ta quây quần.



-Con gái, ta nghe con trai ta nói cháu là Duệ, còn trẻ như này đã đầu lĩnh ở đây ư?

-Dạ thưa bác, chúng cháu đều tuổi đôi mươi, còn thiếu nhiều người như Thuyên tiên sinh. Hai bác cứ yên lòng, chủ tướng của chúng cháu nhất định sẽ đến tận nơi vấn an sức khoẻ hai bác ạ.

-Duệ tiểu thư…

-Tiên sinh, tiên sinh gọi tiểu nữ là Duệ được rồi, ở đây ai cũng gọi vậy cả. Sau này cứ theo tuổi tác mà sắp vai vế, chỉ trong quân mới gọi theo chức vụ.

Duệ hồ hởi:

-Chả giấu gì tiên sinh, trong làng Đường Vỹ với Long Ngô Động gần đây các cụ với các ông bà cô bác còn gọi chủ tướng là thằng, là cậu cơ mà.

-Hả? Sao có thể vậy được? Thật thất lễ.

-Chủ tướng là con, là em, là cháu thì họ gọi vậy có gì sai đâu. Chủ tướng Thiên Đức chỉ có quyền trong quân, ra khỏi quân doanh cũng như thường dân. Đó có thể xem là chút khác lạ không tiên sinh?

-Thật là… ngoài hiểu biết của tại hạ. Nay tại hạ đến nương nhờ Thiên Đức…

Duệ vội ngắt lời:

-Thiên Đức sẽ là nhà của tiên sinh nên không thể gọi là nương nhờ. Tiên sinh đã đến giúp Thiên Đức, còn dẫn theo gia quyến vậy nên gia quyến của tiên sinh từ bây giờ cũng là gia quyến của Thiên Đức.

-Cô Duệ ạ… thực lòng… tại hạ không còn nơi nào để đi nên mới tìm đến đây chứ chưa biết giúp được gì, sợ thêm gánh nặng.

-Chủ tướng đã tặng tiên sinh Tinh hoa ngũ hành thiết nghĩa là đã nhắm đến tài trí của tiên sinh. Tiên sinh mới đến hãy còn bỡ ngỡ, dăm ba ngày nữa chắc không có thời gian nghĩ ngợi vì tiên sinh biết đấy, người ta trong thiên hạ ở đâu cũng được trọng dụng.

-Tại hạ không dám nhận là kẻ có tài.

-Chủ tướng của chúng ta nhìn nhận tiên sinh là người tài thì tiên sinh chính là người tài.

Bọn Gia Miêu và Trần Thông được gọi đến, Duệ giới thiệu Hàn Thuyên. Gia Miêu cũng người Siêu Loại nên vô cùng mừng rỡ khi được gặp Hàn Thuyên, người nổi tiếng hay chữ.

-Vậy thế này, anh Miêu với anh Thông ngồi nói chuyện với tiên sinh cho thoải mái. Hai bác và mấy em nhỏ sợ sẽ mệt, em bảo các cô ấy đưa hai bác về làng Duệ trước nhé.

-Được, được. Cô Duệ cứ giao tiên sinh cho chúng ta. - Trần Thông hồ hởi. - Chúng ta sẽ ở đây chờ chủ tướng luôn.

Phụ mẫu và ba con của Thuyên lên xe bò kéo nhắm hướng núi Linh Sơn. Một con đường đất gần như thẳng tắp rộng hơn một trượng đã được thành hình, điểm đầu là bến Huyết, điểm cuối là ba ngôi làng mới.

Còn lại ba người, Trần Thông biết Hàn Thuyên còn giữ kẽ nên nói luôn:

-Thuyên tiên sinh cứ thoải mái, cũng đừng lo về ngày sau vì như tại hạ đây vốn là kẻ bỏ đi, là quân bờ Bắc bị chủ tướng bắt được và giờ thì… tại hạ tự do, làm cả ngày chả hết việc. Gia quyến cũng đều được đón đến cả.

Gia Miêu nói vào:



-Còn tiểu sinh cũng chưa có công danh, nay đang làm thầy đồ… à… thầy giáo ạ. Mạnh Đức huynh đây là hiệu trưởng đứng đầu một trường dạy học, tiểu sinh cũng thế.

Biết Thuyên không hiểu, cả Trần Thông và Gia Miêu đều ra sức giải thích cặn kẽ và rồi cả hai nhận định:

-Tiên sinh sẽ không được làm hiệu trưởng đâu hoặc nếu có cũng chỉ là việc phụ. Thiên Đức quân giờ cần người giúp cô Duệ nên chủ tướng hẳn sẽ sắp xếp tiên sinh việc ấy.

-Tại hạ có thể làm gì? Việc quân xưa nay tại hạ chưa từng biết.

-Thì nay tiên sinh sẽ biết. - Trần Thông nói. - Dạo trước bọn tại hạ vẫn phải giúp cô Duệ nhưng gần đây việc nhiều không xuể nên chịu thua.

-Chủ tướng một hai nói không biết chữ nghĩa, điều này khiến tại hạ thắc mắc mãi không thôi. Người không biết chữ nghĩa sao có thể sắp đặt, toan tính và làm bao việc lớn mà nhanh vậy được?

Cả Trần Thông và Gia Miêu cùng cười vang.

-Quả thật chủ tướng không biết chữ mà chúng ta viết nhưng chúng ta cũng không biết chữ mà chủ tướng dùng.

-Vậy ra chủ tướng là người nơi khác?

Gia Miêu cười tinh quái chỉ tay lên nóc nhà:

-Ở trên ấy xuống nên dùng chữ của Bụt, tiểu sinh cũng viết được kha khá rồi. Tiên sinh cũng sẽ mau biết.

Hàn Thuyên ngẩng đầu nhìn nóc nhà:

-Hôm qua cô Duệ cũng bảo thế, chả lẽ chủ tướng là người trời ư? Trên trời dùng chữ khác? Chả có nhẽ?

-Là người trời hay không thật chẳng biết song những gì bọn tại hạ chứng kiến thì… giống lắm. - Trần Thông gật gù. - Ở Thiên Đức này, chúng ta gắng sức làm tốt việc của mình và giúp người khác, làm xong thì ăn, ngắm trăng, làm thơ rồi lăn ra ngủ. Cũng tính là hưởng thụ chứ tiên sinh?

Trong khi ấy ở Nhất Vạn, Chương đang họp kín với tất cả đầu lĩnh trẻ, có cả Bỉnh Di tham gia. Lý do có cuộc tụ họp này là quân của Tô Trung Từ đã hạ trại gần ngôi cổ tự bên kia sông Dâu.

Xét về địa thế, dải đất dài hơn hai mươi dặm ven sông Thiên Đức bây giờ thực sự tiềm ẩn nguy cơ mà Chương thấy cần phải xử lý sớm. Tây là đầm lầy, Bắc và Đông vướng sông, Nam là núi cao. Địa thế này tốt cho phòng thủ nhưng người mỗi lúc một đông và tình thế cũng dần khác.

Lý An chưa biết có đáp ứng đòi hỏi hay không song không loại trừ trường hợp ông ta liên kết với Vũ Ninh vương hai mặt vây công thì Thiên Đức và Thiên Gia Bảo Hựu sẽ nguy. Điều này là có khả năng cao bởi cả hai cùng có mối nguy chung, họ có thể bắt tay với nhau.

Tô Trung Từ ngư ông đắc lợi muốn chiếm đất và dân. Lý An không đánh qua hoặc đánh muộn sợ là Tô Trung Từ đưa thêm binh đến trấn, như thế bọn Chương sẽ rơi vào thế ba mặt đối địch. Chương quyết đánh quân của Tô Trung Từ ngay vì đám này mới đến, chưa thông thuộc địa hình. Phạm Tu ủng hộ nhiệt thành.

Hai ngày qua, bọn Bạch Hổ, Bỉnh Di, Trương Lôi đã tung quân sang do thám gần trại binh của Tô Trung Từ. Quân doanh lớn, trên dưới hai nghìn binh sĩ, lều bạt trắng cả cánh đồng.

Một sơ đồ đơn giản được vẽ lên bảng gỗ đánh dấu những làng mạc, sông ngòi và vị trí đóng quân của đối phương. Chương đã xem kỹ, hỏi kỹ và nghe các ý kiến, sau cùng Chương quyết sẽ đánh sớm.



-Cuối tháng tối trời, mưa phùn lại rét căm căm, chúng ta sẽ đánh vào ban đêm. Không dàn quân mà đánh tập kích rồi rút, không đối chiến.

Trương Lôi hỏi:

-Chủ tướng, như vậy lại dùng pháo?

-Đúng! Hơn một trăm lều trại nằm san sát nhau như này phù hợp cho pháo đá tập kích. Chúng ta phải giải quyết một vấn đề, ấy là di chuyển trong đêm tối mà không lạc đường. Pháo phải chuyển từ thuyền lên cánh đồng rồi khiêng đến vị trí này, xa đấy, bao nhiêu dặm nhỉ?

Bạch Hổ đứng lên đáp:

-Khoảng hơn bốn dặm, thưa chủ tướng.

Chương đăm chiêu một hồi rồi nói:

-Cần ít nhất mười pháo nhẹ, không cần bố trí tập trung. Chúng ta sẽ bện dây dài, quân trinh sát dẫn dường sẽ giữ dây, quân pháo và bộ binh yểm trợ theo dây mà tiến rồi lui. Dây càng dài càng tốt.

Chương chỉ tay lên sơ đồ:

-Bố trí pháo ở đây, ở đây hoặc ở đây. Một trăm bộ binh đem theo nỏ Liên Châu bảo vệ, hai trăm bộ binh và pháo binh nữa, tổng quân số chỉ ba trăm là đủ. Ba trăm quân tương đương ít nhất ba trăm viên đạn, ta muốn dọn sạch trại này, bắn cấp tập rồi rút ngay.

Chương nói với Cự Lượng:

-Anh chuẩn bị sẵn một nghìn tinh binh trang bị nhẹ, Thiên Bình sẽ dẫn đội Thần Vũ đi cùng yểm trợ. Nếu đêm mai đánh, Hổ với chú Lôi rút về thì sáng sớm anh dẫn quân tràn lên đây mà đánh. Trường hợp bất lợi thì lui về gần bờ sông trong tầm bắn của đạn pháo.

Rồi bảo Yết Kiêu:

-Nhiệm vụ đội của cậu hơi nặng nhưng mấy khi, nhỉ? Xa Hải thuyền và Mông Đồng thuyền trợ chiến khi cần còn chuyển quân chắc phải dùng thêm thuyền nhỏ và lấy thêm vài thuyền của Uyển Như.

Tất cả nhất trí, Chương phân công cụ thể công việc để mọi người phối hợp rồi nói:

-Màn đêm sẽ là đồng minh của chúng ta, tận dụng tốt thì Thiên Đức quân sẽ là những bóng ma. Đánh trận này một công đôi việc, chúng ta sẽ có thêm chỗ đứng chân và Lý An sẽ mau đem lễ đến cầu hoà.

Rời khỏi nơi họp, Thiên Bình thì thào hỏi:

-Đất ấy cũng là của Siêu Loại, chiếm xong dựng nhà to được chưa anh?

-Chỗ ấy không tính là rộng, chúng ta nhân cơ hội chiếm là để phần nào giải thế nguy. Bọn Lý An mà liên minh với Vũ Ninh vương thì chúng ta thực hết đất sống.

-Anh phải mau chiếm Siêu Loại đi, hết năm đến nơi.

-Cơm chưa ăn gạo còn đấy, anh chả vội sao em vội làm gì. Giờ về ăn ké cơm nhà cô Dung chứ?

-Gọi mẹ cho quen đi chứ, anh gọi mẹ thì nhất định mẹ em sẽ mở tiệc khao cả làng.

Nhưng Chương vẫn chưa chịu gọi theo ý Thiên Bình mặc dù cậu vốn đã coi người phụ nữ đẹp ấy như mẹ của mình từ lâu.

Như vậy, ý định đánh quân của Phụ quốc Thái uý Tô Trung Từ đã định xong.

Càng gần Tết mọi sự càng gấp gáp.