Chương 119: Thế cờ dịch chuyển
Nếu nói 15 sứ quân và bán sứ quân Thiên Đức ở Vạn Xuân như một bàn cờ vua có 16 quân cờ thì việc một quân cờ dịch chuyển lớn sẽ dẫn đến thế cờ thay đổi.
Thiên Gia Bảo Hựu sau hai lần đối đầu thắng quân của Vũ Ninh vương đã khiến các sứ quân chú ý hơn. Lần giáp chiến trên cánh đồng trống ven bờ sông Dâu đã được nhiều sứ quân khác cho người theo sát nhưng thực tế chiến trường họ lại không chứng kiến được. Phần vì địa thế, phần vì trước đó Bỉnh Di đã gắt gao trong việc dò gian tế. Dân lành chẳng ai ló mặt ra khỏi làng và vì vậy, những gì xảy ra trên cánh đồng đẫm máu chỉ có người tham gia mới tỏ tường.
Tô Trung Từ hay tin Thiên Đức quân, một nhánh của Thiên Gia Bảo Hựu, với khoảng hơn ba nghìn bộ binh đã đánh bại bọn Lý An với khoảng năm đến sáu nghìn tinh tinh đã vui như mở cờ ra lệnh cho thuộc tướng tận dụng thời cơ tiến chiếm một số vùng giáp ranh. Mục đích của Tô Trung Từ là đóng trại bên bờ Đông sông Dâu, ở một vị trí có thể thấy được Luy Lâu thành.
Hai nghìn quân của Tô Trung Từ nhận lệnh, nhổ trại từ vùng Long Biên nhắm hướng Siêu Loại tiến dần.
Thực lòng, việc Lý An bại một trận chưa rõ t·hương v·ong khó thay đổi cục diện Vạn Xuân song vấn đề nằm ở chỗ, Lý An và Phạm Tu cùng ở trên một khoảnh đất, bất cứ kẻ nào thắng bại cũng tổn hao nguyên khí nên Tô Trung Từ muốn ngư ông đắc lợi. Tô Trung Từ vẫn luôn tin Phạm Tu là tướng tài, điều ấy lý giải cho những chiến thắng. Và nếu ngày nào đó Phạm Tu thay Lý Lệnh công kiểm soát Siêu Loại cũng chẳng sao, Tô Trung Từ cũng chiếm được một phần đất và dân rồi. Chưa kể La Lệnh công ở Tế Giang cũng không chịu ngồi yên xem người khác chia phần.
Tô Trung Từ vui mừng hơn khi nghe tin Lý An mất gần hai nghìn quân và Thiên Gia Bảo Hựu và bọn Thiên Đức mất đến hơn một nghìn. Những sứ quân ở xa, tin tức chậm, lại không bá·m s·át được tình hình nên họ nghe Lý An mất hơn ba nghìn binh mã và Phạm Tu cũng mất chừng đó. Họ cũng không biết Phạm Tu thực còn bao nhiêu quân trong tay và thắng bằng cách nào.
Lê Phụng Hiểu, Tả Thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ, được thuộc hạ báo tin mà trong lòng khấp khởi mừng thầm.
-Dưới trướng Tả Đô đốc có một chiến tướng, kẻ ấy chính là Mạc Thiên Chương. Những gì thuộc hạ thu thập được thì hai năm rõ mười, bọn Cự Lượng và Bỉnh Di đều dưới trướng kẻ này.
-Thân thế hắn ra sao chưa tra ra được à?
-Bẩm không ạ. Thưa chủ nhân, kẻ này hành tung bí ẩn, nhân dạng cũng chưa biết. Hắn tự xưng là Thiếu uý và đội thân vệ đều là nữ nhân vận y phục màu vàng khi xung trận.
-Cái gì? Có chuyện đó?
-Thuộc hạ không tận mắt nhìn thấy khi giao chiến nhưng có thấy qua khi chúng bày trận. Những kẻ b·ị t·hương được cho về đều nói bị nữ binh dùng cung nỏ hạ và tha c·hết. Trước và trong giao chiến đều không thấy kỳ hiệu của Tả Đô đốc mà là kỳ hiệu đầu hổ Thiên Đức ạ.
-Tả Đô đốc trước sau đều một lòng với tiên vương, sao có thể làm chuyện đại nghịch? Y phục đó, chức vụ đó đại diện cho thân quân của tiên đế. Chả lẽ Tả Đô đốc có ý xưng vương? Không đúng, nếu muốn vậy thì ngay từ đầu đã làm rồi, cần gì lấy danh cũ là Tả Đô đốc chứ? Nhất định có ẩn tình, ngươi phải cho thuộc hạ theo sát. Ta muốn biết thêm về kẻ kín tiếng ấy.
-Thưa chủ nhân, Phụ quốc Thái uý đã điều hai nghìn binh mã từ Long Biên sang Gia Lâm đóng trại.
-Ngài ấy định nhân cơ hội chiếm lợi? Có biết trại đóng ở đâu không?
-Gần Báo Ân Trùng Nghiêm tự ạ.
-Không phải phận sự của ta, biết vậy là được rồi. Luy Lâu có dăm nghìn binh trấn, qua được sông Dâu chưa bao giờ là dễ cả. Phụ Quốc Thái uý muốn nhân cơ hội này chiếm phần bờ Đông thôi.
Lý Đạo Thành nghe thuộc hạ báo tin mà không giấu nổi vui mừng liền thay quan phục đi gặp Long Trát.
-Thái sư, có việc gì mà Thái sư lại tỏ ra vui mừng đến vậy?
Lý Đạo Thành thi lễ xong hồ hởi nói:
-Ngũ Hoàng tử, Sơn Tây vương, lão thần có tin mật muốn báo riêng.
-Thái sư không phải đa lễ, mời Thái sư đến thư phòng.
Long Trát cho thái giám và thị vệ lui hết lượt, Lý Đạo Thành cẩn thận khép cửa, bước nhanh đến bên bàn lớn hạ giọng:
-Ngũ Hoàng tử, Hoàng tử có còn nhớ Phạm Quý phi của tiên vương chứ?
-Phạm Quý phi à? Ừm… chuyện lâu rồi ta nhớ không còn được bấy nhiêu. Có phải Phạm Quý phi từng bị tiên vương đuổi ra khỏi cung, bà ấy có phải bào muội của… ở… Tả Đô đốc Phạm Tu. Người gần đây dựng cờ muốn khuông phò nhà Lý?
-Chính là vậy, lão thần mạo muội hỏi, Hoàng tử có còn nhớ trưởng Công chúa của tiên vương chứ?
-Hử!
Long Trát để mấy cuốn sách sang một bên mời Lý Đạo Thành ngồi.
-Sao nay thầy lại hỏi ta những chuyện cũ?
-Hoàng tử còn nhớ không?
-Cũng mười bốn, mười lăm năm rồi. Ta lúc ấy mới mười lăm tuổi nên còn nhớ. Thiên Bình bị đã bị kẻ xấu bắt mất khiến tiên vương nổi trận lôi đình. Cũng vì thế mà Phạm Quý phi bị thất sủng.
Đoạn Long Trát thở dài:
-Chuyện qua rồi ngẫm lại, ta thấy tiên vương có nhiều Hoàng tử mà không sớm phong Thái tử mới thành ra thế cục như bây giờ. Thiên Bình nếu còn thì… giờ cũng mười tám rồi.
-Ngũ Hoàng tử, lão thần đang nghĩ, Thiên Bình Công chúa hãy còn.
-Sao? Thầy có tin gì?
-Chỉ là phỏng đoán của lão thần nhưng đến bảy phần mười là đúng. Hẳn Ngũ Hoàng tử còn nhớ dạo gần đây bọn Phạm Tu dựng cờ ở Siêu Loại?
-Ông ta đâu chịu theo chúng ta, đó là một người tài nhưng… - Long Trát cười. - Nhưng cổ hủ lắm, võ tướng mà. Nếu ai cũng như thầy thì…
Lý Đạo Thành liền nói ra suy đoán cho Long Trát nghe. Nghe đến đâu, Long Trát kinh ngạc đến đó.
-Bao năm nay Long Xưởng kế thừa đội thân vệ của tiên vương nên những kẻ đó vận y phục màu vàng thêu thùa hoa văn. Nay trong quân Phạm Tu có kẻ xưng Thiếu uý và quân cũng vận y phục màu đó… hừ… Phạm Tu là người cổ hủ, theo lề lối cũ, theo tiên vương dựng nghiệp, nếu ông ta đã làm vậy ắt có mưu tính.
-Lão thần đã tìm hiểu kỹ, người chỉ huy đội quân nữ ấy là cô gái tên Thiên Bình, tròn mười tám tuổi, là nghĩa nữ của Phạm Quý phi. Ngũ Hoàng tử thấy có sự trùng hợp đến lạ kỳ không?
-Như ý thầy nói, chả lẽ Phạm Tu muốn phò Thiên Bình lên ngôi vương? Nào được, xưa nay nữ nhi không có địa vị trong triều, Phạm Tu cũng là lão thần, không lý nào ông ta không biết điều ấy.
-Khó hiểu chính là chỗ này, lão thần nghĩ mãi chưa thông. Tiên vương băng hà, di chiếu không có, Ngọc tỷ truyền quốc biến mất cùng Thuận Thiên kiếm. Phạm Tu là người tiên vương tin dùng, có khi những vật này Phạm Tu đang nắm giữ.
-Ông ta đánh cắp chúng?
Lý Đạo Thành lắc đầu:
-Phạm Tu không có cái gan ấy, trừ phi tiên vương phó thác cho ông ta.
-Thế thật là phi lý. Chả nhẽ tiên vương lại chọn Thiên Binh khi ấy mới ba tuổi làm Hoàng Thái tử kế vị?
-Sự thực ra sao nay chưa phân rõ nhưng lão thần dựa vào hiểu biết về Phạm Tu thì tin rằng ông ấy đang toan việc lớn. Thiên Gia Bảo Hựu khuông phò cơ đồ nhà Lý nhưng… không phải phò trợ chúng ta hay Long Xưởng mà chính là Thiên Bình Công chúa.
Long Trát đi đi lại lại một hồi trong phòng rồi hỏi:
-Ý thầy tính thế nào?
-Lão thần muốn biết ý của Ngũ Hoàng tử, nếu Phạm Thiên Bình kia là Lý Thiên Bình thì…
-Nếu đúng là vậy chả phải Thiên Bình chung huyết thống với ta ư? Nó lưu lạc trong dân gian từ tấm bé, ắt chịu nhiều thiệt thòi.
-Chúng ta có nên tung tin ra ngoài không, thưa Ngũ Hoàng tử?
Long Trát khẽ lắc đầu, thở dài:
-Cùng là giọt máu của tiên vương, nếu không giúp được nhau cũng chẳng hại nhau. Thôi, cứ kệ đấy. Phạm Tu ở xa, cũng chẳng hại gì đến ta. Bây giờ tung ra các sứ quân khác sẽ nhắm đến nó, như vậy chả khác nào ta mượn đao kẻ khác s·át h·ại em mình.
Lý Đạo Thành thuật lại vài sự kiện liên quan đến Thiên Gia Bảo Hựu và Thiên Đức, đưa ra ý kiến bí mật trợ giúp bằng lương thảo. Phạm Tu lớn mạnh thì chỗ tốt nhiều hơn bởi Phạm Tu là người ân oán phân minh, nhận nghĩa là ngầm đồng ý.
-Được, vậy bí mật cấp cho bọn họ lương thảo và binh khí nếu họ cần. Ta mong gặp Phạm Tu một ngày gần đây.
-Lão thần còn chỗ chưa thông, Ngũ Hoàng tử, nếu Phạm Tu lớn mạnh, có ngày lấy hết đất Vạn Xuân, phò Công chúa lên ngôi cao chín bậc thì sao ạ?
-Ai có sức người đó làm, ta chưa bao giờ có ý tranh ngôi vương. Thầy là người hiểu ta, ta chỉ muốn bách tính được yên ổn. Ta thù Long Xưởng vì s·át h·ại máu mủ, suy đồi đạo đức. Tô Hoàng hậu không muốn cho ta đất sống, Tô Trung Từ là kẻ tham lam. Nếu Phạm Tu đủ mạnh đánh bọn Tô Trung Từ có khi ta còn giúp một tay diệt trừ chúng đi.
-Ngũ Hoàng tử đã nói vậy, lão thần tin rằng cơ đồ của tiên vương sớm có ngày tây sơn tái khởi. Như lão thần biết, dưới trướng Phạm Tu hiện nay có một chiến tướng họ Mạc, xuất thân bí ẩn. Từ khi hắn gia nhập, Thiên Gia Bảo Hựu ngày một lớn mạnh.
-Ồ! Có một kẻ như vậy?
-Tuổi mới đôi mươi, trước đây lão thần còn có ý coi khinh nhưng giờ lão thần biết mình đã nhầm. Kẻ đó là chủ tướng Thiên Đức quân mà Thiên Bình Công chúa là tuỳ tướng. Mối liên hệ giữa Thiên Đức và Thiên Gia Bảo Hựu ra sao lão thần chưa tỏ, song khẳng định bọn họ là một. Trong trận đánh vừa rồi, chủ soái là tráng niên họ Mạc, đánh tan bọn Lý An đông hơn chỉ trong nửa canh giờ.
-Kẻ đó là thế nào với Thiên Bình? Chả lẽ giang sơn sau này đổi thành của họ Mạc?
-Thuộc hạ của thân nói, nghe phong thanh rằng kẻ này làm nhiều việc lạ, đặc biệt đối đãi với nữ nhân có phần thiên vị. Nội việc đội thân quân toàn nữ nhân và nữ nhân như Công chúa nắm quyền chỉ huy. Còn một tin chưa xác thực, ấy là Lâm tiểu thư, ái nữ của Lâm Chí Hoà, thương nhân lớn ở La thành dường như cũng đã đầu quân và giữ trọng trách nào đó. Cô ả từng cùng một cô gái khác làm sứ giả.
-Nữ sứ giả? Hừ… - Long Trát nhếch miệng cười. - Nếu nhà họ Lâm giấu mặt ủng hộ thì ta lại càng nên. Long Xưởng sớm muộn cũng sẽ biết, Tô Trung Từ là lão hồ ly. Giúp họ và tung hoả mù thêm, bọn Tô Trung Từ yếu thì ta có lợi, phải chứ?
-Sơn Tây vương anh minh!
-Đều do thầy dạy cả. Nếu sai sứ bí mật đi, hãy nói sứ khéo léo gặp được gã họ Mạc. Ta thực tò mò về hắn.
Lý Đạo Thành tìm cách bắt mối với Lâm Uyển Như, dự định dùng thuyền buôn Vạn Xuân chuyên chở ngũ cốc cùng ba trăm nén bạc và sứ giả đến mừng thắng lợi của Phạm Tu.
Lý Đạo Thành tin lời đại sư, tin vào Phạm Tu và nhẹ lòng hơn khi chủ tướng Sơn Tây vương có ý giúp.
Lo chuyện xa là vậy, Lý Đạo Thành cũng lao tâm khổ tứ vì Sơn Tây cũng đang bị quấy phá bởi Quảng Trí quân, sứ quân vùng Tam Đái.
Châu Tam Đái nằm ở Đông Bắc La thành, phía Đông châu Sơn Tây, ngăn cách bởi Xích Giang. Tam Đái là châu có địa hình phong phú gồm cả núi, đồi thấp và nhiều đồng bằng màu mỡ ven các con sông.
Nguyễn Lôi Vũ năm mươi lăm tuổi tự xưng là Quảng Trí quân, nghĩa là vị vua tài đức, nhân hậu và hiểu biết. Nguyễn Lôi Vũ là anh ruột của Nguyễn Lôi Công tức Vũ Ninh vương. Hai sứ quân kiểm soát hai vùng đất liền kề nên rất vững ở bên bờ Xích Giang. đối diện với Sơn Tây vương Lý Long Trát và Trữ quân Lý Long Xưởng.
Lỵ sở của Quảng Trí quân nằm ở ngã ba sông Bạch Hạc, bách tính gồm nhiều tộc người như Sán Dìu, Cao Lan, Dao tộc, Mường tộc, Nùng tộc… tổng số khoảng mười lăm vạn người, Kinh tộc chiếm hơn bốn vạn, cư ngụ chủ yếu ở ven sông.
Những năm trước đây thi thoảng hai bên vẫn có v·a c·hạm do tranh giành khai thác những mỏ đồng, sắt, bạc và cả vàng ở các dãy núi giáp ranh. Gần đây có mỏ vàng lộ thiên vô tình được phát hiện sau những ngày mưa lớn kéo dài, đất đá s·ạt l·ở. Mỏ lộ thiên nằm nơi giáp ranh nên không ai chịu ai, đều đưa quân đến đóng trại, bên này canh bên kia nhất thời chưa thể khai thác.
Về tương quan lực lượng hai bên thì một chín một mười. Quảng Trí quân có nhiều binh sĩ thiện chiến, nhanh nhẹn, sức khoẻ tốt. Sơn Tây vương có lợi thế hơn trong bài binh bố trận nên, nếu dàn trận mà đánh lớn thì Quảng Trí quân thua thiệt. Bởi vậy Quảng Trí quân thường dùng những đội quân nhỏ đôi ba trăm người sang c·ướp phá kho lương dạo gần đây.
Lý Đạo Thành cũng nhất trí với các tướng muốn đánh Quảng Trí quân song Vũ Ninh vương cũng sẽ vì vậy mà đưa quân từ Vũ Ninh đánh ngược lên thì Sơn Tây vương bất lợi. Ấy là chưa kể Tô Trung Từ cũng sẵn sàng tiến chiếm những vùng giáp ranh trong chớp mắt.
Quảng Trí quân biết được bất lợi này của Sơn Tây vương nên ra sức dồn ép. Gần đây Siêu Loại có biến, Tô Trung Từ điều binh lấn sang nên, tạm thời không làm khó được Vũ Ninh vương, Vũ Ninh vương vì thế có thể đem binh trợ giúp nếu Quảng Trí quân bất lợi.
Quảng Trí quân đã gửi mật thư cho Vũ Ninh vương, nhận được phúc đáp càng thêm tự tin chuẩn bị kế đánh lớn.
Với Vũ Ninh vương, biết tin Lý An b·ị đ·ánh chạy de kèn thì cười như nắc nẻ. Vũ Ninh vương đồ rằng một mai Siêu Loại rơi vào tay Thiên Đức quân thì ông cũng chuẩn bị phải đối đầu. Trước mắt ủng hộ Quảng Trí quân, sau đó Quảng Trí quân trợ giúp đánh Thiên Đức.
Chiến thắng nhỏ nhoi nhưng chóng vánh của Thiên Đức quân thật sự đã làm thế cờ Vạn Xuân nhiều thay đổi. Dù muốn hay không, các sứ quân rồi sẽ phải động binh.