Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 109: Thành Luy Lâu




Chương 109: Thành Luy Lâu

Chương cùng Bùi Như Lạc rời làng Trống khi nắng tắt và gặp Thái Hương giả trang thành cô bé hành khất. Thái Hương lẽo đẽo bám theo van xin Bùi Như Lạc cho mấy đồng bạc lẻ. Chương mủi lòng dúi cho Thái Hương năm đồng, Bùi Như Lạc rỉ tai:

-Hành khất đất này thiếu gì, mày cho nó, nó sẽ bám theo mày mất thôi.

Thái Hương bám theo thật.

-Tao nói có sai đâu.

-Nhìn con bé tuy rách rưới nghèo khổ nhưng có cặp mắt sáng, đáng thương mà chú.

-Cứ lo thân mình trước đã.

-Hôm nay chú cháu mình kiếm bộn, cũng phải bố thí cho kẻ thiếu may mắn chứ.

-Tuỳ mày thôi. Những thứ mày làm ra thật dễ bắt chước mà sao mày có thể bán được giá ngang với đao kề cổ kẻ khác như vậy chứ?

-Chú cháu mình bán tri thức là chính, bàn cờ hay bàn chải chỉ là phương tiện mà thôi.

-Phương tiện gì cũng thật quá đắt. Một bàn cờ gì mà 1 tiền. Mày thu ba tiền của đám nho sinh mà không thấy quá quắt à?

-Nếu không nể mặt Thuyên tiên sinh, cháu bán hẳn một nén bạc ấy chứ. Họ có thú vui tao nhã mà ít người biết, nội việc đó cũng khiến họ cao hơn kẻ khác một bậc.

Về gần đến Lý phủ vẫn thấy Thái Hương thất thểu theo sau, cô bé tìm một gốc cây ven đường gần cửa hậu ngồi lại. Bùi Như Lạc bảo:

-Lần sau nghe tao, kệ bọn hành khất.

-Xin nghe theo chú.

Vào phủ, Chương được biết có mấy võ tướng dưới trướng Lý An đang chờ cậu ở hậu viện. Chương vội vàng theo chân Như Lạc đi gặp. Sau khi thi lễ, một võ tướng tuổi dưới ba mươi nói với Chương:

-Bọn chúng ta nghe nói tiên sinh làm ra bộ cờ Lý Vạn Xuân mà Sứ tướng rất thích, chẳng hay chúng ra có thể nhờ tiên sinh làm giúp cho mỗi người một bộ?

-Vâng, thật không khó. Đại nhân và các ngài đây xin chờ cho dăm ba ngày. Để bộ cờ trở nên đặc biệt, các ngài có thể để lại cho chú Lạc danh tính, tiểu sinh sẽ khắc riêng cho mỗi người và đem tận nơi để các ngài khỏi phải quá bộ đến phủ.

-Đa tạ tiên sinh trước.

-Hoàng Đại tướng quân xin ngài chớ khách sáo. Hoàng Đại tướng quân đây yêu thích loại cờ mới này thực lòng tiểu sinh mừng còn không hết. Chả hay phủ của Đại tướng quân có gần đây không ạ?

-Ta ở trong Luy Lâu thành, hân hạnh đón tiên sinh.

Chương vui như mở cờ trong bụng, ngay tối hôm ấy cậu chong đèn cùng Bùi Như Lạc cặm cụi đẽo gọt những quân cờ một cách tỉ mẩn. Bùi Như Lạc thấy giúp Chương có nhiều chỗ tốt nên rất tích cực.

Sáng hôm sau trời mưa tầm tã, Chương ra cửa hậu viện vẫn thấy Thái Hương đứng co ro bên gốc cây tránh mưa. Lòng dâng lên nỗi thương cảm. Chương nói với Bùi Như Lạc, Như Lạc than ngắn thở dài rồi ra dẫn Thái Hương vào phủ, đưa cho ít cơm nguội cùng bộ quần áo cũ.

-Mày thật rách việc. - Bùi Như Lạc phàn nàn. - Hành khất ở Siêu Loại có đến hàng nghìn vì đang kỳ giáp hạt, bao nhiêu cho đủ.



-Thôi mình giúp được người nào hay người nấy chú ạ. Cháu thấy con bé cũng nhanh nhẹn, hay chú xin tiểu thư cho con bé vào làm tì nữ? Chú cháu mình ngoài làm bàn chải lại còn làm cả bàn cờ. Cho nó giúp một tay chả phải đỡ hơn sao?

Bùi Như Lạc cho là phải bèn đi gặp Trịnh Lam Khuê, Lam Khuê đến gặp Thái Hương, thấy mặt mày sáng sủa. Hỏi thăm thì biết cha mẹ đã mất từ lâu, chả biết quê quán nơi nào nên tạm thời thu nhận cho phụ giúp Bùi Như Lạc. Thế là Thái Hương vào phủ thuận lợi.

Từ Thái Hương, Chương biết được gần đây Phạm Cự Lượng bắt được hơn chục gian tế trong Linh Sơn cửu đỉnh tìm cách dò la tin tức của Thiên Đức quân. Lý Lệnh công vẫn nung nấu ý định dẹp Thiên Gia Bảo Hựu song chưa nắm được tình hình của Thiên Đức quân nên cho người âm thầm tìm hiểu.

Ông Cả Lụa đã giao y phục cho đội Thần Vũ và Thần Sấm, mỗi người được hai bộ. Thần Vũ vận y phục màu vàng còn Thần Sấm của Phạm Bạch Hổ vận y phục xanh sậm theo yêu cầu trước đó của Chương. Lâm Uyển Như mới về quân doanh, đem theo mấy chục cô gái cùng gia quyến và một mực muốn tìm cách gặp Chương vì… nhớ! Thiên Bình và Duệ ngăn cản mãi, Uyển Như mới chịu thôi.

Chương cũng biết Bỉnh Di đưa thêm người giao cho Cự Lượng, lúc đầu một trăm năm mươi và gần đây thêm chừng đó nữa. Ba quân tướng sĩ không biết Chương đi đâu nên thường hỏi luôn. Có nhiều việc họ không tự quyết được, Duệ sắp xếp tạm thời ổn thoả song không được lâu. Quân lương và binh khí cũng cần bổ sung, không thể nhất nhất trông chờ vào tiếp viện từ Thiên Gia Bảo Hựu.

Nguyễn Gia Miêu hình như đã phải lòng Phạm Thị Duyên, cô gái còn lại trong Ngũ vạn tinh phi. Duyên đến giúp Miêu dạy học, do hàng ngày gặp mặt nên nảy sinh tình cảm. Miêu đã báo với Duệ, Duệ nói chờ chủ tướng về sẽ định liệu và tác thành nếu hai người muốn nên duyên vợ chồng.

-Chủ tướng không thể ở đây lâu được.

-Ta biết, ta nghĩ ta sắp đạt được mục đích rồi.

Mưa lớn ba ngày ba đêm liên tiếp, Chương nghe loáng thoáng trong phủ, gia nô kháo nhau nước sông Dâu dâng cao mấp mé cổng thành Luy Lâu, Sứ tướng Lý An phải dùng thuyền nhỏ để vào thành.

Chương tranh thủ làm bàn cờ với sự giúp sức của Thái Hương và mấy người khác. Sau hơn ba ngày, cậu đã có cho mình hơn hai chục bộ cờ vua, những quân cờ đều làm từ gỗ mít. Bọn Như Lạc đen quân cờ đi sơn son thếp vàng khiến bộ cờ hoàn thiện trở nên đẹp hơn. Chương chọn ra một bộ khắc tên Sứ tướng, một bộ khác khắc tên Trịnh Lam Khuê đem tặng. Bùi Như Lạc viết, Chương theo dấu và mày mò khắc từng nét để thể hiện lòng thành.

Tiền kiếm được từ bàn chải và bốn bộ cờ vua của nho sinh làng Trống, sau khi chia thì Chương nhờ Như Lạc đem nộp cho Lam Khuê.

Mưa ngớt, ngoài đồng nước vẫn chưa rút hết. Bùi Như Lạc dẫn Chương đem cờ đi tặng các Tướng quân, Đại tướng quân ở các doanh trong vùng Siêu Loại. Việc này tốn ba ngày trời dù Bùi Như Lạc đã xin hai ngựa. Chuyến đi của Chương thu hoạch rất khá.

Cậu đã đến được cả thảy chín quân doanh trong Siêu Loại, được các vị Đại tướng quân, Tướng quân đón tiếp nồng hậu. Ngoài thết đãi sơn hào hải vị, lúc ra về Chương còn được các vị khách quý dúi cho tay nải, mở ra thì có đến năm nén bạc, chỗ thì ba nén.

Chương dạy cho họ cách chơi, chơi cùng với họ, khi trà dư tửu hậu, Chương khéo léo moi được vài điều cần thiết qua những câu hỏi ngô nghê của kẻ chẳng biết gì về binh pháp. Cậu cũng không quên tặng các vị khách hàng chục cái bàn chải dặn họ nên dùng.

Mỗi quân doanh dưới trướng Sứ tướng Lý An có từ ba trăm đến sáu trăm binh sĩ, dăm chục ngựa tốt. Cá biệt có trại hơn trăm ngựa. Các quân doanh thường đóng gần mương, rạch hoặc nhánh sông. Có dăm chục thuyền nhỏ bốn mái chèo dùng cơ động khi có trại gặp nguy. Từ ngựa và thuyền, Chương lờ mờ đoán ra Lý An đề cao tính cơ động của quân.

Chín quân doanh ước tính khoảng hơn ba nghìn quân. Mỗi làng cũng có một đội hương binh từ hai đến năm chục tuỳ làng lớn nhỏ để giữ trị an. Tất cả tráng niên đủ 18 tuổi được gọi là Hoàng nam, phải ghi tên nộp lên trên, mỗi ba tháng lại được cho gọi đi huấn luyện. Chương thấy chính sách ngụ binh ư nông sơ khai này rất hay, so với cách cậu đã thực hiện thì có phần quy củ hơn. Số quân dự bị này Chương chưa biết bao nhiêu song nếu mỗi làng hai chục hương binh thì trăm làng sẽ đến hai nghìn. Nhẩm tính năm vạn dân có lẻ thì số hương binh làm quân dự bị của Lý An cũng phải hơn một vạn.

Chương nghĩ thành Luy Lâu sẽ đông nhất, theo tin tức trước đây thì quân số thường trực của Lý Lệnh công khoảng một vạn thì sáu nghìn quân còn lại đều phải đóng trong thành Luy Lâu.

Trở về Lý phủ, Chương lại đem giao nộp hết số bạc được biếu xén cho Trịnh Lam Khuê sau khi dùng hai nén chia cho những người giúp sức. Riêng Thái Hương được cho một nén song không ai biết.

Chương tính đến thành Luy Lâu sau cùng vì gần nhất nhưng chuẩn bị đi thì Bùi Như Lạc có việc do Lý An giao. Chương định chờ nhưng Lạc lại đi xin Lam Khuê, Lam Khuê cho Thái Hương đi cùng Chương vì Chương là môn khách. Cơ hội ngàn năm có một nhưng Chương vẫn cẩn thận dặn Thái Hương sau khi rời phủ rằng kiểu gì cũng có đuôi.

Quả nhiên là thế.

Thái Hương phát biện có người giả trang bám theo, hai thầy trò cảm thấy càng yên lòng.

-Chốc nữa vào được thành, em chú ý quan sát và ghi nhớ xem số binh lực áng chừng bao nhiêu. Xưa nay chúng ta chưa biết trong thành Luy Lâu có bao nhiêu quân.



-Tôn có báo về rằng lương thảo đưa vào thành bằng thuyền theo mé cửa chính. Cứ bốn ngày một đận ạ.

-Nhiều không?

-Tôn và những người khác không ước lượng được. Em chỉ thấy nếu binh lực đông đến vài nghìn mà bốn ngày mới tiếp phẩm sợ là hơi ít. Ngày tiếp phẩm trùng với phiên chợ Diên Ứng đó thầy.

-Thế càng phải để tâm. Thầy nghe nói quân trong đó đều là tinh binh, hiếm khi được ra ngoài. Trong đấy tất có bí ẩn, nhưng thầy trò mình phải khéo.

-Thầy tính khi nào về chưa? Em nghe báo tin là mấy hôm rồi mưa lớn, nước sông Thiên Đức dâng cao gây lụt. Giờ này nước chắc cũng đã rút bớt rồi ạ.

-Đường đất đắp cao như vậy nước vẫn tràn à?

-Em nghe nói vậy.

-Như thế chỗ nhà bà Cả Ngư có ngập không?

-Nước ngập cao hơn nửa, gần chạm mái tranh nhưng thầy yên tâm. Hôm qua em nhận được tin chị Bình nhắn, đồ đạc của thầy đã được di dời đến nơi bí mật.

Chương khẽ thở dài:

-Hơn một tháng không gặp, mong là mọi người ở nhà đều mạnh khoẻ.

Chợ Diên Ứng hãy còn đầy sình lầy, đất bùn lưu lại dấu tích quanh chân cột những hàng quán. Chợ Diên Ứng sầm uất, đây hẳn là chợ lớn trong vùng. Nước mới tạm rút mà cảnh buôn bán trên bến dưới thuyền diễn ra tấp nập.

Chương và Thái Hương đứng chờ một hồi ngoài cổng thành cho đến khi quân sĩ trở ra dẫn vào. Cổng thành cao đến hơn ba trượng, tường thành dày cả thước, bên ngoài chân thành đều trồng tre gai rủ bóng xuống hào nước rộng đến năm trượng. Bên trong thành không có nhà dân, toàn dinh thự, lầu phủ, tháp canh.

Chương và Thái Hương không dám nhìn ngang liếc dọc, thi thoảng thấy mấy lá cờ lớn khác màu song cả thầy lẫn trò đều không đọc được.

Chương ngồi chờ ngoài hành lang vì Hoàng Thái Công đang bận việc quân. Dinh thự của Hoàng Thái Công không xây cao, bên trên đỉnh dường như có lầu quan sát toàn bộ thành. Nếu lên được đấy thì Chương dễ dàng có cái nhìn bao quát. Cậu thì thảo với Thái Hương:

-Kiểu gì thầy trò ta cũng được giữ lại ăn cơm, em để ý các cột khói bếp, cố ghi nhớ. Thầy trò ta cần vẽ lại sơ đồ của thành.

Sau gần nửa canh giờ, Chương được dẫn vào gặp Hoàng Thái Công, Đại tướng quân chỉ huy thành Luy Lâu. Thái Công vui mừng nhận bàn cờ và khen lấy khen để.

-Hoàng Đại tướng quân, các doanh khác đều đã nhận, riêng thành Luy Lâu của Đại tướng quân nhận sau cùng là vì ngài ở gần nhất. Tiểu sinh mong ngài hiểu cho.

-Mạc tiên sinh, tiên sinh tự tay làm rồi đem đến cho ta thế này thật là Hoàng mỗ này chẳng biết lấy gì đền đáp. Tiên sinh ở lại dùng cơm và nhân tiện bày cho ta cách chơi nhé? Hôm trước Sứ tướng đến thăm quân doanh đã bày cho ta cách chơi nhưng ta chưa thành thục và…

-Nên ngài không thắng được?

-Quả có vậy. Sứ tướng có dạy, chơi cờ Lý Vạn Xuân cũng như điều binh khiển tướng, lúc nhu lúc cường. Hoàng mỗ mong tiên sinh bày cách thêm để Hoàng mỗ dạy cho quân sĩ dưới trướng chơi. Có dịp gặp mặt các tướng khác đặng… nở mày nở mặt.

-Không khó, không khó! Hoàng Đại tướng quân an lòng. Tiểu sinh sẽ dành cả ngày hôm nay bày cách cho ngài chơi thành thục, đảm bảo ngài không thua ai, còn trở thành Vạn Thắng vương khi chơi cờ đều nhờ vào việc ngài kiên trì tập luyện đến đâu. Học chơi cờ cũng như luyện binh, chơi cờ cũng như khiển binh, nóng vội e là khó thành.

-Tiên sinh nói chí phải. Vậy mời tiên sinh lên gác, nơi ấy thoáng đãng, yên tĩnh thật tốt cho việc chơi cờ. Mời tiên sinh.

-Hoàng Đại tướng quân, ngài có thể cho tì nữ này theo chúng ta không?



-Ồ, không vấn đề

Như vậy, Chương và Thái Hương được dẫn lên lầu cao phóng tầm mắt nhìn bốn phương tám hướng trong thành. Phủ của Hoàng Thái Công nằm ngay chính giữa, tháp nơi Chương đang ngồi rộng khoảng hơn mười mét vuông, có kê một bàn dài và tám ghế.

Chương dạy Hoàng Thái Công chơi cờ, cơm canh bưng lên vừa ăn vừa chơi. Thái Công vô cùng chăm chú, chẳng để tâm đến tì nữ của Chương liên tục di chuyển từ góc này sang góc kia của tháp.

Chơi đến xế chiều thì Thái Công đã thành thục, quyến luyến tiễn Chương ra về với năm nén bạc tạ ơn. Hoàng Thái Công tính cho xe ngựa đưa Chương về nhưng Chương một mực từ chối bởi làm vậy sẽ khiến người khác dị nghị ra vào. Chương nhận thịnh tình của Hoàng Thái Công và… tặng ông ta một miếng sắt nhỏ, bảo rằng đó là vật may mắn.

-Hoàng Đại tướng quân nên giữ bên mình, ngài là người ngay thẳng, là một tướng tài nên tiểu sinh chúc ngài sớm trở thành Tả Tướng quân của Sứ tướng, tiền đồ rộng mở.

-Nếu quả thật vậy này đem lại may mắn cho ta trong đường quan lộ, ta nhất định không quên ơn của tiên sinh.

-Tiểu sinh có điều không hiểu, Đại tướng quân trấn giữ Luy Lâu thành, toà thành trọng yếu nhất vùng cớ sao vẫn chỉ là Đại tướng quân?

-Tiên sinh không trong quân, không hiểu cũng là lẽ thường tình. Luy Lâu thành tuy lớn nhất nhưng Sứ tướng đã rút kinh nghiệm các lần trước chạm trán với Vũ Ninh vương đóng quân nhiều trại dễ bề ứng cứu chứ đại quân trú trong thành khác nào trói tay trói chân.

Kết hợp với quan sát của Thái Hương, Chương nhận định trong thành Luy Lâu chỉ hơn hai nghìn binh mã, nhiều cũng không đến ba nghìn. Như vậy chả lẽ Lý Lệnh công chỉ có khoảng sáu nghìn quân chính quy ư?

Ba trại đóng ở mé Nhất Sơn cũng chỉ nghìn quân, nơi ấy Chương chưa gặp tướng nào. Như vậy thông tin bọn Nguyệt và Bỉnh Di thu thập hãy còn có chỗ nào đó chưa tỏ.

-“Không thể đánh giá thấp Lý An và Lý Lệnh công. Cái mình nhìn thấy chưa chắc đã là thực. Tướng giữ thành quan trọng nhất lại chỉ là Đại tướng quân, vậy Tả và Hữu Tướng quân đóng ở đâu?”

Chương và Thái Hương mua ít hoa quả cùng nén hương rồi vào chùa Diên Ứng, cốt gặp cho được Tôn. Ngay khi Tôn lướt qua, Chương nói nhanh:

-Bằng mọi cách tung người bám làng Thư Đôi, ta muốn biết ở đó có gì. Đây là lệnh!

Cái đuôi vẫn theo Chương về phủ. Thái Hương thắc mắc:

-Ta cần theo dõi làng ấy làm gì vậy thầy?

-Lý Lệnh công ở chỗ nào còn chưa rõ vì ông ta có đến mấy phủ. Làng Thư Đôi nào đó ắt lạ bởi Tôn có nói đến thám thính không được. Điều này cũng như Thiên Đức quân, kẻ nào muốn dò la, mon men đến mấy làng như Long Ngô Động là bị túm.

-Thầy nghĩ làng ấy là đại bản doanh?

-Em đưa tin về cho chị Duệ, chị Bình và anh Lượng, bảo rằng ta muốn biết làng Thư Đôi đó ra sao bằng mọi cách. Ta ngờ nơi đó thực là đại bản doanh. Luy Lâu là thành chính mà quân lèo tèo, theo dõi thêm nửa tháng nữa nếu tiếp phẩm không đột biến, các trại trong vùng không động binh thì có thể khẳng định Luy Lâu thành là mồi nhử.

-Sao ạ?

-Mấy ngày qua ta đi cùng chú Lạc đã mường tượng được rồi. Lý phủ có khoảng gần nghìn quân bản bộ, Luy Lâu thành hơn hai nghìn và Thư Đôi, như thằng Tôn bảo ở mé Tây Nam chùa Diên Ứng thì tạo thành thế chân vạc. Xưa kia Vũ Ninh vương chiếm dải đất ven sông thì mau mà Luy Lâu chiếm không được phải rút, đích thị b·ị đ·ánh tập hậu hoặc thọc sườn mà lui. Lý An bày binh thiên về tính cơ động. Trong phép dùng binh ta đề cao thứ ấy. Em thấy đấy, trong thành ngựa còn ít hơn các doanh trại đóng ở các nơi.

-Em đã hiểu, em sẽ chuyển tin sớm.

-Tin mật, dặn người truyền tin truyền trực tiếp, không được qua người khác.

-Dạ!

Nhận định của Chương liệu có đúng?