Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 105: Hàn Thuyên tiên sinh




Chương 105: Hàn Thuyên tiên sinh

Chương cặm cụi với chỗ lông ngựa Bùi Như Lạc đem đến, phân loại cũng tốn chút thời gian nhưng thời gian là thứ Chương đang có. Cậu ngồi làm ngày làm đêm, mỗi khi ngả lưng chợp mắt Chương lại nhớ bóng hình của Thiên Bình, vẻ dịu dàng của Duệ hay mùi hương gây thương nhớ của Lâm Uyển Như.

Từ hôm đến phủ, Chương ít dám hỏi chuyện về phủ này. Chỉ biết Lý phủ là của Lý An, một gia tướng của Lý Lệnh công. Lý phủ rất lớn, tường bao bằng gạch vồ cao non một trượng. Khuê lặn mất dạng từ khi lên bờ nhưng Chương biết cô nàng vẫn cắt cử người theo dõi cậu. Chưa rõ Khuê sẽ dùng Chương vào việc gì nhưng trước mắt, Chương lo kiếm tiền bởi từ đầu cậu đã thể hiện với Khuê như vậy. Diễn nhập vai đến cùng và thông qua đó, Chương có thể tìm ra kế sách nào đó khả dĩ để đạt được mục đích sau cùng, chiếm lấy Siêu Loại!

Bùi Như Lạc giúp Chương đem bảng gỗ và túi bàn chải. Ống đựng bột hỗn hợp chưa làm kịp.

Khách là văn nhân nho sĩ đã chờ sẵn dưới gốc cây hôm trước, người nào người nấy nho nhã, khăn đóng áo dài chân guốc mộc, tay phe phẩy quạt giấy, vài ông còn nhai trầu bỏm bẻm.

Chương tươi cười chắp tay cúi chào một lượt những vị khách. Nhìn họ là biết không phải chờ mua hàng mà chờ phân cao thấp. Chương biết, thi văn thi thơ với những người này cậu không có cửa thắng vì những gì cậu học, cậu biết đều khác bọn họ. Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu là cách xưa nay những kẻ thông tuệ đều làm.

-Ta là Hàn Thuyên, năm nay ba mươi lăm tuổi, tổ tiên người châu Nam Sách di cư đến vùng này. Ta nghe nói anh bán thứ đồ kỳ lạ bằng cách đưa ra câu đố. Ta tò mò nên muốn đến thử tài của cậu. Chả hay cậu tên gì? Người từ đâu đến? Năm nay được bao nhiêu tuổi?

-Thưa, tiểu sinh tên Chương, gia nô Lý phủ, là thuộc hạ của tiểu thư Trịnh Lam Khuê. Tiểu sinh hai mươi mốt tuổi.

-Tiểu thư Trịnh Lam Khuê à? Ta chưa từng nghe.

-Tiểu thư Trịnh Lam Khuê là nghĩa nữ của Sứ tướng Lý An. - Bùi Như Lạc nói.

-Một gia nô của tiểu thư có thể đưa ra những câu đố hóc búa, hẳn Trịnh Lam Khuê tiểu thư cũng là nữ lưu.

Hàn Thuyên nói, đoạn hỏi Chương:

-Nghe nói anh không biết chữ?

-Thưa tiên sinh, tiểu sinh không biết chữ nhưng là kẻ ham học, lại có trí nhớ tốt nên cóp nhặt ý tứ của người khác. Một phần cũng do Trịnh Lam Khuê tiểu thư dạy bảo.

-Những câu đố của anh rất nay, ta không muốn mất thì giờ giải bởi ta đồ rằng có nghĩ nát óc cũng thua trí của anh. Anh đương buôn bán, vậy ta thử ra một câu thơ đối, anh đối được sẽ…

Hàn Thuyên lấy ra một nén bạc, nói thêm:

-Bạc này dùng để mua thứ anh bán.

-Tiểu sinh không được học hành đến nơi đến chốn, sợ là đối đáp không vần điệu, mong tiên sinh bỏ quá.

-Ta mến tài người khác, anh không biết chữ mà đối được thơ thì ta đã nể đôi ba phần, nói gì đến đối sát. Chỉ cần ý hay là được.

-Tiên sinh đã rộng lượng như vậy, nếu tiểu sinh thua ngài, tiểu sinh sẽ tặng ngài năm bàn chải này. Chúng đều do tiểu sinh tự tay làm.



Hai bên thống nhất, Hàn Thuyên đi lại vài bước, phe phẩy quạt rồi thu lại chỉ vào hộp gỗ của Chương, nói:

-Tiền bạc của giời chung, trống trải thế mới lọt vòng khuyên sáo.

Mọi người nghe xong liền trầm trồ, Chương hỏi Bùi Như Lạc ý tứ hai câu? Bùi Như Lạc giải nghĩa nôm rằng hai câu thơ có ý nói buôn bán cần phải nghĩ khác người, khoáng đạt như cái lồng chim, không gò bó mới kiếm được tiền trong thiên hạ. Chương gật gù rồi đáp:

-Công danh đường đất rộng, kèn cựa chi cho thẹn chí tang bồng!

Hai câu thơ này không phải Chương nghĩ ra, chúng vẫn thuộc về một người thầy của cậu, danh nhân Nguyễn Công Trứ.

Tiền bạc của giời chung,

trống trải thế mới lọt vòng khuyên sáo;

Công danh đường đất rộng,

kèn cựa chi cho thẹn chí tang bồng.

Hàn Thuyên đọc lại vài lượt, mặt mày hớn hở, vỗ quạt tấm tắc khen:

-Thật là kỳ tài, ta không ngờ cậu lại ra vế đáp hay đến vậy. Ta thua cậu nhưng rất vừa lòng, bốn câu này ghép lại thật là hay. Cậu có chí lớn, thật uổng khi phải ngồi ven đường bán những thứ này. Ta ở làng Trống, nếu ngày nào cậu rảnh rỗi có thể tạt vào chơi, ta rất muốn uống trà cùng cậu.

-Hàn Thuyên tiên sinh, đáp lại nhã ý của tiên sinh, tiểu sinh có thể tặng tiên sinh một bài thơ?

-Ổ! Cậu thật làm ta hứng thú, mời cậu.

Chương nói:

-Phàm là nho sinh ngày đêm dùi mài kinh sử, ai cũng muốn đỗ đạt. Muốn đỗ đạt cần phải thi cử, vậy tiểu sinh đọc một bài thơ do Trịnh Lam Khuê tiểu thư đã dạy, có tên là “Đi thi tự vịnh” ạ.

“Đi không há lẽ trở về không?

Cái nợ cầm thư phải trả xong.

Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt

Trót đem thân thế hẹn tang bồng

Đã mang tiếng ở trong trời đất,



Phải có danh gì với núi sông

Trong cuộc trần ai ai dễ biết,

Rồi ra mới biết mặt anh hùng.”

Lại một bài thơ Nôm của danh nhân Nguyễn Công Trứ. Chương chậm rãi đọc xong hồi lâu mà những văn thân nho sĩ người nọ nhìn người kia khẽ lắc đầu. Ai nấy đều khen thơ hay, thể hiện chí lớn của một người.

-Chẳng hay chúng ta có thể mời Trịnh Lam Khuê tiểu thư đến làng Trống bình thơ vào một ngày gần đây? Nếu thực bài thơ này do nghĩa nữ của ngài Lý An làm ra thì ta thật bái phục. - Hàn Thuyên từ tốn nói. - Không ngờ Siêu Loại chúng ta lại có bậc nữ lưu hào kiệt, thật đáng hổ thẹn cho chúng ta xưa nay tự cho mình văn hay chữ tốt.

-Chỉ là một bài thơ, tiên sinh há phải nói vậy. Tiểu sinh sẽ bẩm báo lại với tiểu thư, hẳn là tiểu thư cũng muốn được đàm đạo với các ngài đây.

-Như này vậy, ta xin nhận bài thơ của Trịnh Lam Khuê tiểu thư, thay cho lời cảm tạ, ta sẽ mua hết hàng của cậu. Ta thực mong có ngày được cùng Trịnh Lam Khuê tiểu thư đàm đạo văn chương thơ phú. Chẳng hay cậu Chương đây họ gì?

-Tiểu sinh họ Mạc, tên gọi là Văn Chương. Hàn Thuyên tiên sinh cứ gọi tiểu sinh là Cả Chương ạ.

Thêm vài lời xã giao, Hàn Thuyên cáo từ, những văn thân nho sĩ theo sát gót. Ai đó hỏi Hàn Thuyên về Trịnh Lam Khuê, Hàn Thuyên đáp:

-Chẳng có Lam Khuê tiểu thư nào ở đây cả. Lam Khuê là cháu gọi chính thất của Sứ tướng Lý An là cô ruột, quả thật là nghĩa nữ của Sứ tướng nhưng Lam Khuê mà ta biết võ giỏi hơn văn. Ta từng có vài lần gặp Sứ tướng nên ta biết phần nào.

-Vậy bài thơ vừa rồi tiểu tử đọc ra là của ai?

-Là của hắn!

-Nhưng hắn không biết chữ.

-Ấy là hắn nói vậy. Kẻ đó không tầm thường, hắn ấp ủ chí lớn. Câu nào câu nấy đọc ra đều thể hiện ý tứ như vậy cả. Tại sao một kẻ như vậy lại cam chịu ngồi bán thứ bỏ đi ven đường thì ta không biết nhưng hắn đáng kết giao đấy.

-Thuyên tiên sinh, tiên sinh đánh giá cao hắn quá mức không? - Một người khác hỏi.

Hàn Thuyên cười:

-Là ta đánh giá cao các ông quá thôi. Các ông nghĩ mà xem, hắn ta dựng bảng hiệu, chỉ dăm ba chữ nghĩa mà hai lần đã kiếm được hai nén bạc. Ấy là hắn biến chữ nghĩa thành tiền, chúng ta thua hắn ở chỗ đấy.

Hàn Thuyên giơ cái bàn chải lên:



-Thứ này liệu đáng một đồng? Làm từ lông ngựa thô và tre, đều là thứ bỏ đi và sẵn có, chúng ta phải trả cao gấp mấy lần chính là trả cho trí của hắn. Hắn đích thị là kỳ tài. Các ông để ý mà xem, một gia nô mà mặt mày sáng láng, ngũ quan cân đối, nói chuyện luôn nhìn thẳng vào mắt kẻ khác nhưng lại không khiến họ khó chịu.

-Ta nghĩ hắn chỉ là một kẻ hoạt ngôn, mồm mép.

-Cứ cho là vậy. - Hàn Thuyên gật đầu. - Một kẻ si độn dù có mồm mép cũng câu trước đá câu sau. Hắn ta thân phận thấp kém mà khí chất lại hơn người, thật lạ. Hắn một câu tiểu thư, hai ý tiểu thư lại càng khiến ta phục. Hắn đem tiếng tốt cho chủ nhân, ấy mới là kẻ đáng sợ.

-Hắn có bán thứ bột pha trộn dùng để đánh răng, lúc mới dùng quả thật khó chịu vì cảm giác như miệng đầy cát. - Một người nhận xét. - Song quả tiện lợi hơn dùng cau.

-Đó, các ông thấy chưa? Một kẻ tầm thường có thể nghĩ ra được thứ ấy? Các ông ngày đêm đọc sách như ta nhưng thật ra chúng ta chỉ biết đến những thứ cao siêu dân chúng chả hiểu. Hắn thì ngược lại.

Bùi Như Lạc đã nhìn Chương với con mắt hoàn toàn khác, chỉ biết trên đường về phủ, Bùi Như Lạc rơi vào trầm tư.

Sau khi chia phần thoả thuận với bốn người, Chương đưa cho Bùi Như Lạc nén bạc hôm trước, nhờ nộp cho Trịnh Lam Khuê.

-Sao hắn lại giao bạc cho ta?

-Bẩm tiểu thư, hắn nói tiểu thư đã trả công thuê hắn, hắn đang là người của tiểu thư nên tiền kiếm ra thì giao nộp.

Trịnh Lam Khuê cầm nén bạc chau mày:

-Hắn nói có ý đúng của hắn. Con người này thật khiến ta thập phần chưa hiểu, hắn thực thà song lại đủ khôn ngoan, dường như đoán được cả tâm ý của người khác.

Bùi Như Lạc thuật lại chuyện hồi sáng với giọng hào hứng.

-Đám nho sĩ làng Trống đều bại cả, Hàn Thuyên tiên sinh cũng phục tài hắn.

-Gia nô của người khác chỉ biết làm theo lệnh, đôi khi bôi tro trát trấu, lợi dụng thân phận, ỷ có chỗ dựa đem tiếng xấu cho chủ nhân. Đằng này hắn lại tô vẽ cho ta dù ta chưa dạy hắn thứ gì cả.

-Lão bộc không rõ hắn có ý định gì nhưng thấy hắn không phải kẻ tầm thường. Hắn biết chơi cờ, biết làm ra thứ lạ, lại còn biết làm thơ, đối thơ, ra câu đố. Tiểu thư, trong phủ của chúng ta liệu có mấy đầy tớ như hắn?

-Tiếp tục theo sát hắn, hắn có hỏi đến ta cứ nói ta bận chuyện riêng không có trong phủ. Một kẻ như vậy ta rất muốn dùng làm thân tín song không thể vội.

Chương vẫn làm bàn chải Thiên Bình và cùng Bùi Như Lạc đi nhặt vỏ sò ở ven bờ sông Dâu về đun nước rửa sạch để làm bột đánh răng. Ống trúc thay bằng ống nứa và cố nghiền than hoa lẫn vỏ sỏ mịn hơn. Chương cũng biết, nếu có lưu huỳnh trộn vào sẽ tốt nhưng lưu huỳnh kiếm ở đâu trong vùng đồng bằng này chứ?

Năm ngày sau Chương quay lại chỗ cũ bán bàn chải, chẳng thấy văn thân nho sĩ nào nhưng cậu bán được vài chục cái bàn chải, hơn chục ống bột cho các cô gái trong hai làng Trống và Mái. Họ đến mua chính là vì nghe trong làng kháo nhau về người bán thứ kỳ lạ hay chữ. Một vài nữ nhân còn đến tận nơi xem mặt Chương. Với dáng vẻ cao ráo, nho nhã, mặt mày tuấn tú, ăn nói nhẹ nhàng dí dỏm thì Chương chẳng khó gây thiện cảm với nữ nhân. Điều duy nhất khiến nhiều nữ nhân cảm thấy tiếc ấy là thân phận của Chương.

-Bán bàn chải cho hai làng ấy tạm vậy là đủ, cháu muốn bào tiền của nho sĩ và hào phú trong hai làng ấy. Bàn chải sẽ bán rẻ đi, bảy đồng ba cái.

Chương nói với Bùi Như Lạc.

-Ngươi tính làm gì?

-Họ là trí sĩ, là nhân sĩ, kẻ sĩ… nói chung là hơn người. Muốn kiếm tiền của họ thì cứ đưa cho họ thứ khó khiến họ tò mò mà mua, mà hỏi, mà chơi và bán giá thật đắt. Với kẻ sĩ cần bán cái trí chú ạ.

Vậy là Chương để ba người kia làm bàn chải vào buổi tối, còn cậu và Bùi Như Lạc đi lấy gỗ tạp đục đẽo làm một bàn cờ vua!