Chương 104: Bùi Như Lạc
Chương được bố trí ngủ cùng gia nhân trong một căn phòng lớn. Công bằng mà nói, ngủ trên tấm phản bằng gỗ tạp cũng tươm hơn ngủ chõng tre vài phần. Đêm đầu tiên Chương trằn trọc phần vì lạ chỗ, phần vì… nhớ thương ba cô gái. Ngủ ở làng Ngũ Vạn hay nhà bà Cả Ngư hay trong quân doanh hoặc làng Nhất Vạn vẫn cảm thấy thân thuộc. Mỗi sáng mở mắt ra sẽ thấy bóng hình một trong hai cô gái lượn quanh. Cả năm qua đều thế, giờ xa vùng đất quen thuộc, như quê hương thứ hai, Chương cảm thấy nao lòng.
Chương nào biết, trong ngôi nhà tranh ven sông, Duệ và Thiên Bình cũng thức trắng. Nhiều đêm sau đó, hai cô gái ôm nhau ngủ sau khi lau mặt bằng nước mắt. Bản thân hai cô chưa từng trải qua nỗi nhớ một ai da diết đến vậy. Càng nhắc lại càng nhớ, mỗi sáng thức giấc, hai cô gái lại ngẩn ngơ một hồi, thi thoảng lại tựa cửa, nét mặt thất thần nhìn ra sông.
Gia nhân lục đục dậy sớm, Chương cũng dậy theo. Chẳng ai phân việc cho Chương vì nghe nói cậu là người của Trịnh Lam Khuê. Chương cầm chổi phụ giúp quét sân, xong lại giúp một tay chẻ củi. Cậu không muốn ngơi tay, phần để nỗi nhớ nhung trong lòng dịu đi, phần vì Chương đoán ở đâu đó trong phủ này sẽ có ít nhất một cặp mắt dõi theo nhất cử nhất động của cậu.
Chương tìm gặp Bùi Như Lạc, ông ta nói Khuê mới về hãy còn bận vài việc nên tạm thời Chương cứ ở trong phủ.
Chương nói đến bàn chải, hỏi Bùi Như Lạc đã dùng chưa, ông ta nói chưa đụng đến nên Chương nài nỉ hướng dẫn.
-Cứ như là nhai cát trong miệng, đã vậy còn có vị mát. Thực thứ này do ngươi làm ra?
-Cháu làm ra thật. Cháu có hơn một trăm cái, đang tính tặng cho mấy anh, mấy em trong phủ dùng.
-Thứ đó của ngươi, ngươi hãy giữ lấy. Ngươi mới đến đã đem đồ tặng cho người khác là không nên đâu. Họ sẽ nghĩ ngươi có ý.
-Vậy… vậy cháu đem bán được không?
-Bán? Ngươi bán cho ai?
-Ai mua thì bán ạ.
-Hử? Thứ này thì ai mà mua chứ?
-Cháu thấy cứ đem ra chợ nào gần đây ngồi, kiểu gì cũng bán được. Bên chợ Thổ Hà gọi là lớn nhưng chỉ họp sáng sớm, nó chả giống chợ mấy. Tối qua cháu có hỏi, nghe mấy anh nói Siêu Loại đông dân gấp mấy bên mé bờ sông Thiên Đức.
-Thật ngươi tính bán?
-Dạ, đúng ạ. Cháu có thể đem ra chợ bán được không chú?
-Để ta hỏi quản gia, ta không có quyền hành gì ở đây sất, chỉ là tu lâu lên lão làng thôi.
-Chú xin giúp cháu được không? Khi nào cô Khuê cho gọi là cháu đến ngay. Chứ… cháu quen luôn tay luôn chân, thích buôn bán mà hết ra lại vào không tiện chú ạ. Cháu cũng đâu phải là khách.
-Ngươi nói cũng phải!
Đến đầu giờ chiều, Bùi Như Lạc nói với Chương là quản gia trong phủ không cấm vì Chương là người của tiểu thư. Có điều đi đâu, làm gì phải báo lại để khi cần còn gọi.
Chương mừng húm, cảm ơn Bùi Như Lạc rối rít rồi xin đi hạ vài tre đan phên. Tối mịt Chương vẫn cặm cụi đan. Sau bữa tối, Bùi Như Lạc ngồi đánh cờ, Chương ngồi bên cạnh vừa đan vừa xem. Bùi Như Lạc chơi thường thua, Chương không phải cao thủ cờ tướng nhưng cũng biết chơi. Cậu thích cờ vua hơn và chợt nghĩ sẽ có ngày làm một bàn cờ vua.
-Ngươi có biết chơi cờ tướng không?
-Cháu biết ạ.
-Chơi từ bao giờ?
-Ông với bố cháu sinh thời hay chơi, thi thoảng không có người chơi cùng nên cháu… cũng… hình như lên mười hai, mười ba ông ạ.
-Ngươi đan xong rồi, hay chơi hộ ta một ván. Ta có chút việc.
Chương phủi tay ngồi lên chõng đánh cờ cùng đối thủ của Bùi Như Lạc, một người tên Cầm cũng ngoài bốn mươi lo việc bếp núc. Chương không có ý nhường nhịn, cậu dễ dàng thắng đến ba ván. Bùi Như Lạc quay lại, chắp tay sau lưng đứng xem và gật gù mãi.
-Ngươi cũng cao cờ đấy chứ?
-Chú nói thế làm cháu ngại. Chú với chú Cầm hay chơi với nhau nên cháu lạ tay mới thắng đấy. Ông cháu hay nói, cờ không phải ai cũng chơi hay được vì chơi cờ chẳng khác nào điều binh khiển tướng.
Chương không chơi cờ giỏi, cậu hay xem người lớn chơi vào mỗi chiều khi còn ở làng cùng bà nội. Sống ở Thủ đô, Chương dành nhiều thời gian xem review đủ thứ như thể sợ mình sẽ tụt hậu. Cờ thế là một trong những thứ cậu hay xem, có điều cờ vua vẫn thông dụng hơn trong giới trẻ.
Hai người đàn ông muốn Chương chơi thêm, chiều ý họ, Chương đánh thêm bốn ván và thắng nhanh khiến hai người đàn ông trung niên mướt mồ hôi.
-Đây ạ, cháu bày một thế cờ, hai chú tìm cách giải, giải ra cháu sẽ đưa thêm.
Hai người đàn ông ngồi đến quá nửa đêm đành tắt đèn đi ngủ trong khi vẫn chưa giải được thế cờ.
Một năm qua hình như Chương bận rộn đủ việc, đã quên đi nhiều thú vui hay trò chơi trí tuệ. Đêm nằm đây nhớ ra bao nhiêu thứ, từ cờ vua đến vài bài hát quen thuộc và đặc biệt nhớ ba cô gái.
Chương dậy sớm, quét sân, chẻ củi, xách nước… nhận củ khoai lang luộc nóng hổi Bùi Như Lạc đưa cho, Chương cảm ơn rối rít.
-Tao sẽ đi cùng mày, trong khi chờ bán được mấy món hàng thì mày chơi cờ với tao.
-Dạ được ạ, thế còn gì bằng. Chú cháu mình đi chợ nào ạ?
Chương hớn hở theo Bùi Như Lạc rời phủ đệ đến một thị tứ cách phủ khoảng hơn một khắc cuốc bộ. Bùi Như Lạc dựng tấm phên tre cạnh một gốc cây ven đường vào bảo Chương:
-Con đường này có nhiều người qua lại, bên này là làng Mại Đông, còn gọi là làng Trống, đối diện là Mại Đoài, tục gọi là làng Mái.
-Trống, Mái? Sao nghe lạ thế chú?
-Nghe từ xửa từ xưa thì hai làng này chung một tổ tiên, sau con đông cháu nhiều, người nơi khác đến nhập vào làng nên lớn dần. Tao nghe nói mại nghĩa là bán, hai làng này buôn bán giấy dó, hoạ tranh.
-Bảo sao trông khấm khá, thấp thoáng nhiều mái ngói đỏ tươi thế kia cơ mà.
-Bên Mại Đông có hơn tám chục nóc nhà, gần sáu trăm khẩu. Mại Đoài trăm nóc, khẩu thì đâu đó tám trăm đấy. Mày cứ ngồi đây bán có khi lại được, tiểu thư có gọi thì chạy về cũng mau.
-Chú có biết chữ không? Cháu nhờ chú viết hộ.
-Tao biết bập bõm thôi. Mày tính viết cái gì?
Chương đưa cục than củi nhờ Bùi Như Lạc viết lên tấm bảng gỗ đem theo từ nhà. Cậu có cách kiếm tiền ở đây, kiếm tiền thật sự.
Một mặt tấm bảng ghi: “Có răng mà chẳng có mồm, nhai cỏ nhồn nhồn cơm chẳng chịu ăn”.
Mặt sau ghi: Ông Tre gọi Trúc bằng bác, Trúc gọi Luồng là ông nội, Luồng gọi Mây là cậu, Mây gọi Trăng là dì, Trăng gọi Trời là chú, Trời gọi Gió là con. Hỏi Tre gọi Gió bằng gì?
Bùi Như Lạc viết xong cũng lú bèn hỏi:
-Viết nhăng viết cuội làm gì?
-Cô Khuê từng bảo thứ cháu bán chỉ người lắm tiền mới mua. Người lắm tiền hẳn biết chữ. Ai giải được câu thứ nhất thì cháu tặng một cái bàn chải.
-Còn câu mặt kia?
-Giải được thì tặng năm cái bàn chải và năm đồng tiền, không giải được phải mua ba bàn chải giá 5 đồng một cái.
-Cái gì? Những mười đồng ba cái?
-Bột đánh răng mười đồng một ống, mua hai ống thì mười lăm đồng. Chú viết nắn nón lên hộp gỗ hộ cháu. Cháu…
-Chả hiểu mày làm cái gì. Tiểu thư bảo mày rất kỳ lạ, tao thấy rồi đấy.
-Cháu sẽ biếu chú mười đồng nếu cháu bán được vì chú biết chữ.
Chương lại ngồi vêu mỏ vì ít người biết chữ, họ cũng chẳng dừng chân xem cậu bán cái gì. Ngồi chơi cờ, thi thoảng Bùi Như Lạc lại bảo Chương là kẻ dấm dớ. Bùi Như Lạc đã bốn mươi nhưng chưa vợ vì là hạng cùng đinh. Ông ta nói với Chương như vậy.
Gần một canh giờ sau, khi nắng đã cao chót vót thì có người dừng chân trước tấm bảng, là một ông ngoài tứ tuần.
-Như này là ý gì?
Chương vội giải thích.
-À, chỉ cần đoán đúng sẽ được tặng thứ này? Mà thứ này là cái gì?
Chương lại giải thích và bảo rằng người cao quý như ông ta dùng bàn chải đúng là hợp.
-Được rồi, nó chính là cái liềm chứ gì?
-Ông có tài trí quả là hơn người. Cháu ngồi từ sáng mà chẳng ai đoán trúng. Cháu tặng ông ạ.
Người đàn ông dương dương tự đắc nhận bàn chải để trong ống trúc nhỏ. Ông ta nhìn mặt sau, nhăn mặt hỏi Chương nếu đáp đúng thì được gì.
-Ông đáp một lần mà đúng thì cháu tặng ông ba cái bàn chải và năm đồng. Đoán sai thì ông phải mua ba cái này với giá năm đồng một cái.
Người đàn ông ngẫm nghĩ hồi lâu rồi bỏ đi, Bùi Như Lạc bảo Chương đần độn, khi không lại cho người ta một cái bàn chải năm đồng. Chương chỉ cười.
Nhưng Chương không phải chờ lâu, người đàn ông quay lại cùng một chàng thư sinh, có lẽ là con, và tự tin bảo con ông có thể giải.
Nhưng chàng thư sinh bóp trán mãi, sau cùng đáp sai bét. Chương bán được ba cái bàn chải.
-Vậy đáp án là gì?
-Ông muốn biết đáp án phải mua một ống đựng bột đánh răng này, giá mười đồng. Nếu mua hai ống thì chỉ mười lăm đồng thôi ạ?
-Sao đắt thế được?
-Cả vùng này chưa ai có. Đáp án cũng chưa ai biết ạ.
Ngẫm nghĩ một hồi, người đàn ông lại bấm bụng mua hai ống bột để biết đáp án.
-Gọi bằng mồm ạ!
Hai cha con người đàn ông mặt thộn ra, ngay cả Bùi Như Lạc cũng thế.
Người đàn ông có vẻ không chịu thua, mau chóng cùng con trai về làng. Chương cũng vội lau sạch hai mặt tấm bảng và ra hai câu đố mẹo khác. Thể thức chơi vẫn như cũ, độ khó tăng lên.
-Mày thật đáo để, tao chịu rồi đấy.
-Trò hay còn nhiều mà ông, chốc nữa đầy người đến thì ông giúp cháu giải thích với lại tính tiền nhé.
-Mày tưởng ai cũng mắc lỡm như ông ấy chắc?
-Mắc lỡm thì không ạ, nhưng con người ta không sợ nghèo hơn kẻ khác, chỉ sợ thua kém về chữ nghĩa. Hai làng này có bao nhiêu người hay chữ cứ ra hết đây, cháu chấp tất.
Chương nói không sai, nửa khắc sau có hàng chục người đàn ông kéo nhau đến, nhìn cách ăn vận biết là nho sĩ.
Nhưng tấm bảng thì đã đổi câu đố, ai muốn thử phải mua một cái, đáp đúng thì không phải trả tiền. Đáp án Chương chỉ nói ra khi bán đủ mười bàn chải. Đáp án nói ra rồi lại đổi câu đố khác.
Chỉ trong một canh giờ, Chương bán sạch những gì cậu đem theo. Bùi Như Lạc viết mỏi tay, về sau không viết nữa, Chương đành ra câu đố bằng miệng.
Tất cả anh tài trong hai làng đều kéo đến, chẳng ai thắng được. Chương hẹn năm ngày sau quay lại với những câu đố mới. Các nho sinh trẻ, thầy đồ già hay kẻ sĩ trong làng đều ấm ức vì thua một kẻ không biết chữ.
-Thật không tin nổi, đám nho sĩ ở hai làng ấy đần độn à mà bỏ ra hơn một nén bạc mua cái thứ vứt đi ấy?
Trên đường về Bùi Như Lạc luôn miệng lẩm bẩm. Chương cho ông ta ba mươi lăm đồng lẻ, còn một nén bạc cậu giữ lại làm vốn.
-Chú thấy bạc dễ kiếm không?
-Giờ tao hiểu tiểu thư dẫn mày về hẳn là đã nhìn ra cái hay của mày. Năm hôm nữa có quay lại đó không?
-Cháu bán hết mất rồi, phải làm ra mới có.
-Thì mày làm đi, lông ngựa thiếu gì, tao kiếm cho mày.
-Vâng, vậy lần tới bán được bao nhiêu cháu chia cho chú hai phần.
Về đến phủ, Bùi Như Lạc rỉ tai thêm ba người khác, trong đó có ông Cầm. Chương nói nếu họ giúp làm ra bàn chải và bột thì cho họ mỗi người một phần tiền thu về.
Mới đến phủ ngủ hai đêm, Chương đã có bốn người giúp kiếm tiền. Dĩ nhiên những gì Chương làm đều được báo lại với Trịnh Lam Khuê. Cô nàng thoáng bất ngờ rồi dặn cứ để Chương làm gì cậu ta muốn bởi Khuê tò mò muốn biết thêm về anh chàng này.